Ngày 01/12/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 4336/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.
Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 376/QĐ-BTNMT ngày 01/3/2022; được UBND tỉnh giao khu vực biển tại Quyết định số 1636/QĐ-UBND ngày 06/6/2022 với diện tích sử dụng 28,01 ha khu vực biển ven bờ tại Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.
San hô trong vườn ươm
Với mục tiêu: Bảo tồn, phục hồi, phát triển đa dạng sinh học, hệ sinh thái và thực hiện các hoạt động nhằm duy trì sự ổn định lâu dài và phát triển bền vững, sau khi được bàn giao mặt bằng khu vực biển, công ty Cổ phần Vạn San Đảo (chủ đầu tư dự án) đã triển khai ngay các hạng mục dự án gồm:
+ Thả rạn nhân tạo: 1,9 ha (trong đó có 6 khu vực x 2.000m2 và 7 khu vực x 1000m2).
+ Xây dựng khu vực vườn ươm 5.000 m2 (5 khu vực x 1.000m2) nhằm dưỡng san hô sống thích nghi với môi trường, sau đó di chuyển ra vị trí cần phục hồi.
+ Tiến hành di chuyển san hô sống từ vườn ươm đến nền đáy tự nhiên đã từng có san hô sống trước đây để thực hiện công tác phục hồi.
+ Theo dõi, đánh giá khả năng phục hồi của san hô, hệ sinh thái.
San hô được trồng ra nền đáy và trên rạn nhân tạo
Tháng 04/2022, dự án đã xây dựng vườn ươm sử dụng các khung kết cấu bằng ống nhựa PVC triển khai thí điểm với trên 600 giá thể san hô và cho kết quả tăng trưởng tốt. Nguồn giống san hô ươm trồng được thu gom từ san hô đã bị gãy, đổ do tác động của bão và ngư dân khai thác cá từ lưới cào từ các khu vực biển lân cận, được sóng biển đưa về khu vực dự án. Dòng san hô tiến hành thử nghiệm và trồng: chủ yếu là dòng Acropora Valenciennesi (Milne Edwards, 1860)
Sau 4 tháng, tốc độ tăng trưởng trung bình của san hô được tăng lên từ 1-2cm. Độ phủ chân của san hô vào các khung vườn ươm là 0,5-1cm. Tháng 11/2022, sau khi kiểm tra, đo tăng trưởng, với những cá thể san hô đã sinh trưởng được tốt, với độ dài trung bình vượt 4cm, được lựa chọn thử nghiệm ra vùng rạn tự nhiên trước đó để thích nghi dần với điều kiện thời tiết tại khu vực, đồng thời chịu sự tác động của dòng chảy và lượng thức ăn tại vị trí mới. Đồng thời, bổ sung thêm những tập đoàn san hô vào khung phục hồi đã được di dời.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay về cơ bản, dự án hoàn thành các hạng mục theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sự phục hồi của hệ sinh thái khu vực biển ven bờ Bãi Tiên có nhiều tín hiệu khả quan, đáng ghi nhận.
Tiến hành quan sát, tại vùng rạn nhân tạo - nơi các cá thể san hô đang sống và phát triển: Thấy sự xuất hiện của một số loài thuỷ sản, trong đó có mực lá (kích thước 3-6cm), một số loài cầu gai. Đặc biệt, phát hiện một số loài cá đã bắt đầu lưu trú và sinh trưởng tại đây, trong đó có sự xuất hiện của một số loài đáng chú ý: Cá Mao Tiên Quạt (Zebra Turkeyfish - Dendrochirus Zebra), Cá Hề Vàng (Yellow Clownfish - Amphiprion Sandaracinos), Cá Bàng Chài Xanh (Blue Tuskfish - Choerodon Cyanodus), Cá Bống Đốm (Decorated Goby - Istigobius Decoratus). Đặc biệt với cá Bống Đốm là loài đang được chú ý bảo vệ và có xu hướng đang bị suy thoái nhanh tại vịnh Nha trang.
Tính đến tháng 02/2023, các tập đoàn san hô trên nền rạn nhân tạo có những biến chuyển tốt vì lấy được thức ăn nhiều và có chiều dài trung bình từ 07- 09cm, đây là một trong những tiến tiển tốt về sự thích nghi dần với điều kiện hiện tại. Qua thống kê chiếm đa số là dòng san hô cứng, hay còn gọi là san hô sừng cụ thể: Acropora Elseyl (Brook, 1892), Acropora Austera (Dana, 1846), Acropora Valenciennesi (Milne Edwards, 1860). Lượng sinh vật phù du cũng xuất hiện nhiều hơn, kéo theo tảo đỏ, tảo xanh và một số loài xâm lấn, trong đó đặc biệt là Ốc đinh ( Rupbella) loài này xâm lấn trực tiếp vào rạn nguyên sinh tại đây, tuy nhiên cũng kéo theo một số loại sinh vật phù du, thực vật tầng đáy đi kèm trong khu vực.
Sự phục hồi của hệ sinh thái khu vực biển ven bờ Bãi Tiên
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Công ty Cổ phần Vạn San Đảo sẽ tiếp tục quan sát sự sinh trưởng tự nhiên của san hô với điều kiện thời tiết đang biến đổi và chịu giải khí hậu nóng của năm; thực hiện mở rộng rạn nhân tạo và đưa vào thử nghiệm giải pháp ươm mới thân thiện và thích nghi tốt với điều kiện tại khu vực; mở rộng nghiên cứu và thử nghiệm thêm một số loài và giống san hô khác tại khu vực dự án, trong đó cả loại cứng và mềm; tiến hành xây dựng các rạn nhân tạo dành cho cá và các loài sinh vật thuỷ sinh khác sinh trưởng, tiến hành thử nghiệm và nuôi giống một số loài sinh vật thiên địch với ốc Rupbella để quá trình phục hồi được diễn ra tự nhiên theo hệ sinh thái tự nhiên tại khu vực./.
Theo: nhatrang.khanhhoa.gov.vn
Xem bản tin gốc tại đây