Phước Long ngày nay, thuộc vùng đất làng Phước Hải Hạ của phường Phước Hải xưa, thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời kể được ghi lại trong các tài liệu, phường Phước Hải xưa kia là làng Phước An do cụ Trịnh Công Tường là người đầu tiên đứng ra quy dân lập ấp, lập làng vào những năm 1745 – 1770. Vùng đất được cụ khai hoang lúc bấy giờ nay thuộc phần lớn diện tích trên địa bàn các phường trong nội thành thành phố Nha Trang như: Phước Hải, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phương Sơn, Lộc Thọ, Tân Lập, một phần đất phía Bắc phường Vĩnh Nguyên đến ấp Hà Thanh thuộc phường Vạn Thắng, ấp Cồn Dê tức khóm Ngọc Toản (nay thuộc phường Ngọc Hiệp). Về phía Bắc có phần đất đai dưới Tháp bà Pô Nagar và vùng Xóm Bóng cũng thuộc vùng đất của cụ Trịnh Công Tường cùng dân làng khai khẩn. Năm 1770, khi cụ Trịnh Công Tường mất, nhân dân trong làng nhớ ơn, lập đình Phước Hải (nay thuộc tổ dân phố Phước Toàn Tây, phường Phước Hải, thành phố Nha Trang). Đình Phước Hải được sắc phong dưới triều vua Khải Định và Đồng Khánh. Thời kỳ 1745 – 1750, nhân dân làng Phước An có một cuộc sống rất trù phú, dân làng đã góp của đem đúc Đại hồng chung và chùa Linh Phong cổ tự năm Quý Dậu (1753) quốc hiệu Đại Việt.
Khi nhà Nguyễn lên nắm chính quyền, những năm giữa thế kỷ XIX, Phước Hải thuộc phủ Diên Khánh.
Ngày 30 tháng 8 năm 1924, với Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành thị trấn (centreurbain). Thị trấn Nha Trang hình thành từ các làng cổ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải.
Nghị định ngày 7/5/1937 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang được nâng lên thị xã (commune). Lúc mới thành lập, thị xã Nha Trang có 5 phường: phường Đệ Nhất (tức làng Xương Huân cũ); phường Đệ Nhị (Phương Câu); phường Đệ Tam (Vạn Thạnh); phường Đệ Tứ (Phương Sài) và phường Đệ Ngũ (Phước Hải).
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đầu năm 1946, để tiện việc chỉ đạo của chính quyền cách mạng, địa bàn tỉnh được chia thành nhiều khu kháng chiến. Vùng Nha Trang – Vĩnh Xương – Diên Khánh được chia thành 4 khu: Khu I gồm tổng Trung Châu; Khu 2 gồm hữu ngạn sông Cái từ Thành xuống toàn bộ huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang; Khu 3 từ Thành trở lên gồm các làng thuộc tổng Vĩnh Phước và Ninh Phước; Khu 4 gồm các xã thượng lưu sông Cái. Huyện Vĩnh Xương – thị xã Nha Trang đã chỉ đạo sát nhập các làng nhỏ của huyện lại thành đại xã, các làng: Trường Đông, Bình Tân, Trường Tây (phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường ngày nay), Vĩnh Châu, Phước Hải Hạ (thuộc phường Phước Hải) lấy tên là xã Xuân Hải.
Nghị định số 357-ĐUHC/NC/NĐ, ngày 5/6/1971 của chế độ Sài Gòn chia thị xã Nha Trang thành 11 khu phố và sau đó là Nghị định số 553-BNV/HCĐP/NĐ, ngày 22/8/1972 đổi các khu phố của thị xã thành phường.
Ngày 02/4/1975, Nha Trang - Khánh Hòa được hoàn toàn giải phóng. Ngày 06/4/1975, Ủy ban Quân quản Khánh Hòa chia Nha Trang - Vĩnh Xương thành 3 đơn vị hành chính: Quận 1, Quận 2 và Quận Vĩnh Xương. Phước Long là một bộ phận của phường Phước Hải thuộc Quận 2 (gồm các phường: Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Tân Phước, Vĩnh Trường, Phương Sài, Phước Hải). Đến tháng 11 năm 1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời thị xã Nha Trang được chính thức thành lập; ngày 15/11/1975 Ủy ban nhân dân cách mạng quận I và quận II giải thể([1]). Tháng 1 năm 1976, 11 phường của thị xã được chia tách làm 17 phường: Vĩnh Hải, Vĩnh Thọ, Ngọc Hiệp, Vạn Thắng, Phương Sơn, Xương Huân, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hải, Lộc Thọ, Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường([2]). Ngày 22/4/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/1999/TTg công nhận thành phố Nha Trang là đô thị loại 2.
Ngày 19/11/1998, Chính phủ có Nghị định số 98/1998/NĐ-CP thành lập phường Phước Long thuộc thành phố Nha Trang trên cơ sở 427 ha diện tích tự nhiên và 14.391 nhân khẩu của phường Phước Hải. Địa giới hành chính phường Phước Long: Bắc giáp phường Phước Hải; Nam giáp phường Vĩnh Trường, xã Phước Đồng; Tây giáp xã Vĩnh Thái; Đông giáp phường Vĩnh Nguyên.
Trải theo chiều dài lịch sử 350 năm của vùng đất Khánh Hòa, từ làng Phước Hải hạ, xã Xuân Hải, khóm Phước Thái, giờ đây Phước Long chính thức trở thành phường được ghi tên trên bản đồ chính trị, hành chính, kinh tế của Nha Trang - Khánh Hòa.
Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, do yêu cầu đô thị hóa, nhiều dự án, khu quy hoạch mới đã diễn ra trên địa bàn phường như Khu dân cư số 1 Tây Lê Hồng Phong - Tiểu khu 3 (Hà Quang); Khu dân cư số 2 Lê Hồng Phong (Liên hiệp sản xuất Địa chất); Bệnh viện Lê Hồng Phong; Khu đô thị mới Phước Long; Khu dân cư An Bình Tân; Dự án chỉnh trị hạ lưu Sông Tắc - sông Quán Trường… Phường Phước Long đã, đang và sẽ là trung tâm phát triển đô thị về phía Nam, Tây Nam của thành phố Nha Trang kết nối trung tâm Đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch thành phố (khu sân bay Nha Trang) với khu trung tâm Chính trị - Hành chính của tỉnh, khu biệt thự sinh thái cao cấp (tại sông Tắc, sông Quán Trường, Hòn Rớ 2), khu liên hợp văn hóa - thể thao của tỉnh Khánh Hòa (tại thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng). Phước Long có nhiều lợi thế trong phát triển không gian đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
([1]) Lịch sử Đảng bộ Nha Trang 1975 – 1985, trang 43.
([2]) Lịch sử Đảng bộ Nha Trang 1975 – 1985, trang 43.