Những định hướng này chính là biểu hiện của đường lối và nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta về kết hợp giữa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển với việc tạo dựng và giữ vững môi trường chiến lược ổn định, hòa bình phục vụ phát triển, đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của các Đại hội Đảng lần thứ X, XI và XII, cũng như Nghị quyết số 09-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định mục tiêu tổng quát là “,… xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ môi trường hòa bình, ổn định,…”
Là một quốc gia với đường bờ biển dài 3260 km, trải dài từ Bắc xuống Nam với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều cụm đảo có giá trị chiến lược về QP - AN, kinh tế quan trọng như: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu,… tiếp giáp với Biển Đông, từ lâu trong lịch sử, biển đã “là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, những tranh chấp biển đảo, diễn biến tình hình trên Biển Đông trong những năm qua đã cho thấy “hòa bình, ổn định, từ do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước nhưng thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cao”. Việc triển khai PTBV KTB của ta gắn chặt với Biển Đông, trong bối cảnh đó, khó có thể triển khai thắng lợi, đạt các mục tiêu đề ra trong Chiến lược PTBV KTB Việt Nam nếu môi trường chiến lược ổn định không được duy trì và củng cố, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực trong giai đoạn hiện nay cũng như trong những năm tới. Để làm tốt được việc này, cần xác định, đánh giá chính xác bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, các thuận lợi và thách thức.
Thuận lợi và thách thức của việc triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Thuận lợi: (i) Khai thác, sử dụng và PTBV biển và đại dương, trong đó có các hoạt động kinh tế biển nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế và ngày càng trở thành một xu thế phát triển, mục tiêu mà cộng đồng quốc tế hướng tới. Đáng chú ý nhất là nội dung này đã được thừa nhận là 1/17 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (mục tiêu số 14 - Cuộc sống dưới nước). Điều này mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên cơ sở song phương, khu vực và đa phương về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, sử dụng bền vững biển và đại dương, xử lý các vấn đề là mối quan tâm chung của nhân loại như ô nhiễm môi trường biển, a xít hóa đại dương, giảm thiểu nguồn tài nguyên sinh vật,…(ii) Các hoạt động phát triển kinh tế biển của chúng ta gắn chặt với việc khai thác, sử dụng và quản lý vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực Biển Đông được hưởng theo đúng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Hay nói cách khác, ta có chính nghĩa và cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc để triển khai cũng như bảo vệ các hoạt động KTB: và (iii) Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật về PTBV nói chung và PTBV biển nói riêng. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về PTBV biển đảo, về tác động của môi trường biển, BĐKH, nước biển dâng,... trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân, không ngừng được nâng cao. Đi cùng với đó là trình độ KHCN biển của ta từng bước được cải thiện vững chắc; hệ thống hạ tầng biển không ngừng được cải thiện, củng cố.
Các thách thức: Đi cùng với các thuận lợi cơ bản nêu trên, chúng ta cũng có không ít các thách thức, cụ thể: (i) Tranh chấp ở khu vực Biển Đông, nơi chúng ta triển khai các hoạt động KTB ngày càng diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến an ninh, hòa bình và việc thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của ta ở Biển Đông. Tình hình này có nguyên nhân chủ yếu do việc Trung Quốc duy trì, đẩy mạnh và củng cố các yêu sách không có cơ sở pháp lý quốc tế, nhất là yêu sách “Tứ Sa” trên cả phương diện chính trị, ngoại giao, tuyên truyền, thực địa và quản lý; đẩy mạnh việc quân sự hóa tại cả Hoàng Sa và các cấu trúc xây dựng trái phép ở Trường Sa, làm thay đổi cơ bản về cục diện trên thực địa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của ta. Các nước trong và ngoài khu vực đều có phản ứng chính sách nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo vệ sự thượng tôn pháp luật trước các hoạt động đơn phương của Trung Quốc thông qua các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền và thực địa dẫn đến tình hình Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; (ii) Tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh, khó lường, xuất hiện nhiều nhân tố mới có tác động sâu sắc đến trật tự và cục diện thế giới, trong đó có vấn đề Biển Đông và Biển Đông đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; (iii) Nhận thức của một bộ phận nhân dân, thậm chí cả cán bộ về mối quan hệ biện chứng giữa giữ vững, bảo vệ, thực thi chủ quyền biển đảo, quyền và lợi ích hợp pháp trên biển còn chưa theo kịp tình hình. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề Biển Đông để gây bất ổn định chính trị, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng và Nhà nước ta; (iv) Việc khai thác, sử dụng thiếu bền vững các tài nguyên biển tạo ra các thách thức mới trong trung và dài hạn. Kinh nghiệm quản lý biển đảo của chúng ta còn hạn chế; năng lực, trang thiết bị của các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển tiếp tục cần được củng cố và tăng cường.
Chủ trương, định hướng và giải pháp trong việc tạo dựng và gìn giữ môi trường chiến lược ổn định, phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững
Chủ trương, định hướng: Đại hội Đảng XIII đã xác định quan điểm chỉ đạo “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia- dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Soi chiếu vào vấn đề Biển Đông, lợi ích quốc gia - dân tộc của tachính là chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp và chính đáng trên biển của Tổ quốc; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, thúc đẩy các hình thức hợp tác phù hợp nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; duy trì và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế.
Để triển khai chủ trương trên, định hướng chính của chúng ta là kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên trì, kiên quyết đấu tranh trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác biển dưới các hình thức phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam ở khu vực Biển Đông.
Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của biển trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Giải pháp: Thứ nhất, nâng cao nhận thức và làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng bản chất, mối quan hệ biện chứng giữa giữ vững môi trường chiến lược phục vụ phát triển và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, quyền và các lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông để từ đó biến nhận thức thành hành động trong việc triển khai nhiệm vụ PTBV KTB. Đây là hai mặt của vấn đề, tạo dựng và duy trì môi trường chiến lược hòa bình, ổn định là điều kiện, tiền đề cho việc thực thi và bảo vệ tốt hơn chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia trên biển và ngược lại việc bảo vệ, thực thi chủ quyền biển đảo, quyền và lợi ích quốc gia trên biển góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường chiến lược ổn định phục vụ phát triển. Không thể coi nhẹ bất cứ mặt nào mà cần phải xử lý một cách hài hòa, lý trí mối quan hệ này.
Thứ hai, thúc đẩy việc đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển còn tồn đọng với các nước và tăng cường hợp tác biển với các nước ở khu vực Biển Đông, cụ thể là: Tiếp tục các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển với Trung Quốc; thúc đẩy đàm phán với các nước ASEAN về các vấn đề biển (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin); duy trì lập trường thống nhất của ASEAN về Biển Đông và trong đàm phán COC; thúc đẩy trao đổi về biển với các nước, phối hợp lập trường; đồng thời tranh thủ được mối quan tâm thường xuyên và sự đồng tình của dư luận quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Mở rộng hợp tác quốc tế, gắn kết lợi ích nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó chú trọng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tri thức và đào tạo nguồn nhân lực biển.
Thứ ba, tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo gắn với kiên quyết, kiên trì đấu tranh trước mọi hành vi xâm phạm chủ quyền của ta đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta đối với các vùng biển được xác định theo đúng Công ước Luật Biển 1982; gắn PTBV KTB với QP - AN. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa hợp tác và đấu tranh, giữa giải quyết hòa bình các tranh chấp với tìm kiếm các biện pháp hợp tác xây dựng lòng tin nhằm tạo cơ hội cho việc giải quyết tranh chấp; giữa tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện CSPL về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ biển, đảo nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho việc chuyển mạnh về tư duy và hành động của toàn bộ hệ thống chính trị nước ta trong việc triển Nghị quyết số 36/NQ-TW. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ và thực chủ quyền biển, đảo.
Thứ năm, nâng cao nhận thức về các quyền và nghĩa vụ trên biển cho những người hoạt động trực tiếp trên biển; giáo dục ý thức tôn trọng luật pháp quốc tế về biển trong các hành động trên biển, khai thác biển một cách bền vững, có trách nhiệm; tránh các hành động vi phạm vùng biển nước ngoài đồng thời hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Việc PTBV kinh tế biển phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó môi trường chiến lược ổn định, hòa bình và trật tự trên biển, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua và tiếp tục xu thế phức tạp hơn trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng vào khía cạnh kỹ thuật của vấn đề PTBV KTB như áp dụng KHCN trong đánh bắt, nuôi trồng hải sản theo hướng bền vững, bảo vệ, tái tạo nguồn tài nguyên tự nhiên của biển, BVMT biển,… thì điều hết sức quan trọng là phải sử dụng các biện pháp tổng hợp trên các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, QP - AN, dư luận, tuyên truyền và thúc đẩy hợp tác nhằm luôn tạo dựng và duy trì một môi trường chiến lược ổn định, thuận lợi phục vụ PTBV KTB./.
Nguyễn Mạnh Đông
Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam