Phát huy truyền thống tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào ta trong việc chung tay đoàn kết xây dựng, bảo vệ cuộc sống bình yên ở từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố (gọi chung là khu dân cư) trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Quần chúng nhân dân ta ở các khu dân cư đang và sẽ tiếp tục đoàn kết, sát cánh cùng nhau tham gia đấu tranh giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, trong đó có công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) để bảo vệ cuộc sống bình yên của khu dân cư và cũng chính là bảo vệ cuộc sống bình yên của gia đình mình.
Xuất phát từ giá trị truyền thống lịch sử đó, các nhà xây dựng Luật Phòng cháy và chữa cháy đã cụ thể hóa thành mục tiêu, quan điểm phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác PCCC và được thể hiện cụ thể là:
- “Huy động sức mạnh tổng hợp cùa toàn dân tham gia hoạt động PCCC”.
- “Mọi hoạt động phòng cháy, chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ” (Khoản 1, 4 Điều 4 Luật PCCC).
- “Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi xảy cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy” (Khoản 1 Điều 33 Luật PCCC).
Do đó, để thể hiện nghĩa vụ và phát huy trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư, mỗi người dân khi phát hiện trong khu vực sinh sống có nhà xảy ra cháy cần chú ý làm các việc sau đây:
1. Hô thật to “Cháy, cháy” ở nhà ai hoặc số nhà xảy ra cháy để mọi người xung quanh biết và nhanh chóng báo tin cháy (địa chỉ, loại nhà, mức độ cháy nhìn thấy, có người bị nạn trong nhà không…) cho Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114, Đội trưởng dân phòng, Trưởng khu dân cư (Trưởng thôn, ấp, tổ dân phố…).
2. Nhanh chóng quan sát, phán đoán xem trong nhà bị cháy có người không và khẩn trương báo động cho họ biết nhà họ cháy bằng cách tiếp tục hô cháy và gọi, gõ cửa kèm theo ấn chuông, dùng các vật tạo ra tiếng động lớn ở tầng cao.
Nếu người trong nhà bị cháy biết tin thì cần xác định (quan sát kết hợp gọi hỏi) xem họ ở tầng nào? Phòng nào? Có mấy người? và thông tin (nói to) cho những người xung quanh biết để tiếp tục báo tin cho Cảnh sát PCCC và CNCH.
3. Nhanh chóng tìm cách báo cháy cho hộ gia đình ở trong các nhà xung quanh liền kề nhà bị cháy biết tin để thoát ra ngoài, cắt điện nhà họ khi cần và hỗ trợ mở lối thoát nạn qua ban công, sân thượng, tum, mái nhà mình nếu có thể. Khi chưa biết được thông tin về số người, độ tuổi có thể đang mắc kẹt trong nhà bị cháy, đặc điểm bố trí các gian phòng với chất cháy là gì (vật dụng sinh hoạt, loại hàng hóa…) thì cần tranh thủ nắm thêm qua những người ở các nhà liền kề này vì có thể họ biết được.
4. Hô hào mọi người xung quanh khẩn trương tìm, mang các phương tiện, dụng cụ (nếu có) của các hộ gia đình trong khu đến tham gia chữa cháy, cứu người như thang (tre, nhôm), búa tạ, rìu, kìm cộng lực, chăn, đệm, xô chậu có nước, bình chữa cháy. Quần chúng nhân dân và phương tiện khi mang đến chữa cháy cần chú ý tập kết ở vị trí an toàn; xác định và tìm cách ngắt điện nhà bị cháy trước khi vào dùng nước để chữa cháy hoặc ngăn ngừa nguy cơ chập điện gây thêm điểm cháy mới và nguy hiểm cho con người.
5. Cứu người trong nhà bị cháy:
- Khi xác định nơi người bị nạn đang mắc kẹt ở tầng nào thì phân công những người đủ sức khỏe tìm cách tiếp cận phá cửa, mái tôn ở vị trí gần chỗ người bị nạn nhất, ít bị lửa, khói gây nguy hiểm nhất và có lối để họ thoát ra nhanh nhất.
- Khi tiếp cận cứu người cần xác định không có nguy cơ nổ (khu vực cháy không có bình gas, bình khí dùng để hàn xì, ô tô, xe máy chưa bị cháy đến gần bình xăng…). Trường hợp cấp bách cứu người và phải phòng nguy hiểm cho những người cứu nạn thì phải thông qua các nhà bên cạnh để tìm, tạo lối thoát nạn an toàn qua ban công, cửa tum ra mái nhà, sân thượng.
6. Dập cháy:
- Khi thấy khu vực cháy chưa lớn, không có yếu tố nguy hiểm nổ, khả năng sập đổ cấu kiện, tường, mái nhà và có thể tiếp cận được thì cần nhanh chóng phân công người đủ sức khỏe sử dụng bình chữa cháy, xô chậu có nước để dập cháy, ngăn cháy lan đến vị trí có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy. Đồng thời tìm cách di chuyển các vật dụng, hàng hóa dễ cháy ra nơi khác để tạo khoảng cách không cho cháy lan. Nếu đám cháy mới phát sinh, phần diện tích cháy nhỏ thì khẩn trương hỗ trợ hộ gia đình của nhà bị cháy tiến hành dập cháy và chống cháy lan.
- Người trực tiếp vào chữa cháy cần chú ý đến việc dùng chăn, khăn ướt, khẩu trang bảo vệ thân thể khỏi bị bỏng, nhiễm khói và những người ra vào tham gia, hỗ trợ chữa cháy cần chú ý không để các đồ vật gây cản trở lối ra vào chữa cháy, đồng thời để mọi người dễ di chuyển an toàn ra ngoài khi có hiện tượng lửa, khói bùng lên có thể tạt vào người gây bỏng hoặc cấu kiện rơi, tường, mái sập đổ gây thương vong.
7. Một số việc khác cần quan tâm:
- Nếu có người bị thương (người vào chữa cháy, cứu nạn và người được cứu ra khỏi đám cháy) cần nhanh chóng hỗ trợ, đưa đi chữa trị ở cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp có người bị choáng, ngất do sốc nhiệt, ngạt khói…cần đưa đến nơi thoáng mát, làm hô hấp nhân tạo (ép lồng ngực, hà hơi thổi ngạt qua miệng hoặc mũi) và làm sạch mũi, miệng cho nạn nhân; trường hợp có người bị bỏng cần làm mát chỗ bị bỏng bằng nước nguội, đá lạnh sạch trong khoảng 15-20 phút; người bị thương, chảy máu do vết thương hở cần được băng bó ngay để cầm máu…
- Khi lực lượng dân phòng, Trưởng khu dân cư, đại diện chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt thì chủ động báo cáo tình hình nắm được cho họ biết về tình hình người bị nạn, khu vực cháy, cửa nào đã được phá, có yếu tố nguy hiểm nổ không. Sau đó, khi tiếp tục tham gia, hỗ trợ công tác chữa cháy cần thực hiện theo sự chỉ huy của những người trên./.
Đoàn Văn Quỳnh, Phó Trưởng P6
Nguồn: http://canhsatpccc.gov.vn/
Xem tin gốc tại đây