Về văn hóa, Phước Long là điểm đến cư trú của đồng bào các dân tộc Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc. Với nhiều lý do lịch sử, thời gian khác nhau, nhưng trong quá trình chuyển dịch dân cư, những truyền thống văn hóa, tập quán, giá trị nhân văn tốt đẹp của các vùng miền đã được “gạn đục khơi trong” làm nên bản sắc văn hóa mang dấu ấn riêng. Đó là, bất cứ trong hoàn cảnh nào thì mỗi gia đình cũng phải tạo lập cho mình một không gian riêng - sống trong một mái nhà. Tùy hoàn cảnh địa lý, nghề nghiệp, thu nhập khác nhau, nhưng nhiều nhà hợp thành xóm, thành tổ dân cư để cùng tồn tại “tối lửa tắt đèn có nhau”. Từ quan niệm “sống mái nhà, chết mồ mả” nên nhà ở luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình. Ngoài mục đích làm chỗ che mưa, che nắng phù hợp với khí hậu thời tiết, nhà ở là nơi thờ tự tổ tiên, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, nuôi dạy, hướng dẫn con cái học hành. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở luôn được coi trọng từ việc vận dụng phong thủy xác định hướng nhà, hướng bếp, “coi tuổi, coi ngày động thổ” khởi công… cho đến ngày dọn về nhà ở mới đều bày lễ vật đơm cúng, thỉnh cầu “thổ Thần, thổ Địa”, “Quan âm Bồ Tát”, tổ tiên ông bà phù hộ độ trì hết sức thành kính.
Về tín ngưỡng, tôn giáo, cư dân Phước Long đa số theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ông bà, đạo Phật; đạo Thiên chúa 547 hộ, đạo Tin Lành 14 hộ, đạo Cao Đài 04 hộ. Trên địa bàn Phước Long có Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang (tại Tổ 1 Phước Lộc); Dòng Thánh Giuse, Nhà thờ Thánh Gia số 10 đường Võ Thị Sáu (Tổ 1 Phước Tường); Chùa Đông Phước; miếu Người Hoa, đường Đông Phước (Tổ 2 Phước Tường); Miếu Bà Cân - nhân dân thường gọi là miếu Bà Phước Thái, đường Phước Long (Tổ 1 Phước Thái).
Miếu Bà Phước Thái, tọa lạc tại số 35 đường Phước Long. Miếu đã có từ trước năm 1914 (Giáp Dần), năm 1939 (Kỷ Mão) miếu được xây dựng lại, thờ Ngũ Hành thần nữ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc miếu Bà Cân là nơi tập kết lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm để cung cấp cho các cơ quan của Tỉnh ủy, Thị ủy trên căn cứ chiến khu cách mạng Đồng Bò.
Miếu Bà Phước Thái
Chùa Đông Phước, tọa lạc tại số 20/7 đường Đông Phước. Vào năm Quý Sửu (1913) chùa được xây dựng tại làng Phước Hải Hạ, đặt hiệu là Đông Phước tự (lấy tên hai làng làm hiệu chùa, Đông là Trường Đông, Phước là Phước Hải Hạ). Chùa Đông Phước là một trong những trung tâm sinh hoạt Phật giáo lớn ở thành phố Nha Trang, và là điểm giao lưu văn hóa của bà con Phật tử thuộc ba phường Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên.
Chùa Đông Phước
Miếu người Hoa, tọa lạc tại 18/3 đường Đông Phước. Năm 1966, để nhớ về những người đã có công khởi nghiệp lập cư, họ đã lập Miếu thờ với diện tích 16m2, tường gạch, mái tole. Hàng năm, vào ngày 05 tháng 5 và ngày 30 tháng Chạp, mồng một tết Âm lịch, tất cả dòng họ, con cháu người Hoa đã làm ăn, sinh sống tại làng Phước Hải Hạ tập trung về cúng lễ.
Dòng Thánh Giuse (Dòng Ngôi Lời – Giuse), tọa lạc tại số 10 đường Võ Thị Sáu. Được thành lập năm 1931, Dòng đang đảm trách: Giáo xứ, giáo họ, Trạm y tế từ thiện, Nhà nội trú, Nhà tình thương cho các cháu mồ côi, các lớp học miễn phí cho người nghèo, giúp làng bệnh nhân phong cùi, HIV/AIDS, phát triển môi sinh, Tông đồ Thánh Kinh…
Giáo xứ Thánh Gia, tọa lạc tại số 10 đường Võ Thị Sáu được thành lập năm 1955, năm 1957 tiếp tục việc trùng tu xây dựng thánh đường họ Thánh Gia, công việc vừa hoàn tất thì khu thánh đường bị giải tỏa. Đến hạ tuần tháng 8/1964, khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới (thánh đường hiện nay - số 10 Võ Thị Sáu) và hoàn tất vào trung tuần tháng 9/1967. Giáo dân của giáo xứ Thánh Gia gồm 3 phường: Phước Long, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường và các hải đảo.
Đại Chủng viện Sao Biển, tọa lạc tại số 60, đường Lý Nam Đế. Đại Chủng viện Sao Biển được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cấp lô đất của trường Lê Thanh Liêm ngày 04/12/1991. Ngày 21/4/1992, Đại Chủng viện Sao Biển tổ chức lễ khai giảng khóa học đầu tiên.