I. THAM GIA CÁC PHONG TRÀO VẬN ĐỘNG CÁCH MẠNG VÀ GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930 - 1945)
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), nhân dân Phước Hải Hạ đã đứng lên đấu tranh theo con đường cách mạng vô sản. Vốn là một vùng đất có vị trí địa lý quan trọng tiếp giáp với Trường Đông, Trường Tây, Bình Tân (Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường) có tinh thần căm thù giặc nung nấu, cơ sở của nhiều chiến sĩ Cộng sản từ Nha Trang, miền Trung và Nam Trung bộ như các đồng chí Trần Đình Quế, Phạm Ngọc Cang, Nguyễn Đình Trung (Nghệ Tĩnh), Nguyễn Văn Cai (ở Quy Nhơn) … vào hoạt động. Chính sự quy tụ đó đã làm cho vùng đất này là một trong những địa phương có phong trào cách mạng phát triển vào loại sớm nhất của thị xã Nha Trang, Khánh Hòa. Nhân dân Phước Hải Hạ sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ đúng quy luật, hợp xu thế của thời đại. Thông qua các buổi nói chuyện, đọc báo nhân dân Phước Hải Hạ đã nắm bắt được tình hình thế giới, trong nước, hiểu rõ được bản chất của thực dân Pháp và tay sai, bước đầu tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá thông qua những người đảng viên Cộng sản.
Hưởng ứng ngày Quốc tế lao động 01/5, lần đầu tiên Trung ương Đảng chủ trương phát động phong trào đấu tranh của quần chúng trong cả nước. Thực hiện chủ trương đó, các tổ chức cơ sở Đảng ở Nha Trang - Vĩnh Xương đã trực tiếp chỉ đạo từng địa bàn, từng cơ sở. Sáng ngày 01/5/1930, cờ đỏ búa liềm được quần chúng nhân dân treo khắp thị xã Nha Trang như núi Sinh Trung, Tháp Bà, Hòn Một, hòn Trại Thủy, thôn Ngọc Hội… truyền đơn do Xứ ủy Nam kỳ in sẵn gửi cho Đảng bộ Khánh Hòa được quần chúng rải nhiều nơi ở Nha Trang, ở làng Phước Hải Hạ. Các tổ chức cơ sở Đảng đã tiến hành tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa ngày Quốc tế lao động 01/5 trong quần chúng. Hầu hết công nhân, viên chức làm việc ở các viện Pasteur, viện Hải Dương học, viện Vắc-xin và các xưởng cơ khí, khách sạn…đều tham gia với mức độ khác nhau đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cho nghỉ ngày chủ nhật được tính công…
Từ năm 1931 - 1935, thực dân Pháp tăng cường đàn áp và thực hiện chính sách “khủng bố trắng”, phong trào cách mạng Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng bị địch bắt, giam cầm hoặc sát hại; nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ.
Từ năm 1936 trở đi, Chủ nghĩa phát xít trở thành mối nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của loài người. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1937) chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế (sau đổi thành Mặt trận Dân chủ) nhằm tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ, yêu chuộng hòa bình vào mặt trận đấu tranh.
Năm 1937, Xứ ủy Trung kỳ đưa đồng chí Đoàn Bá Thừa vào Nha Trang để xây dựng, khôi phục lại Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa. Các sách báo công khai của Đảng và Mặt trận Dân chủ như “Bạn dân”, “Tin tức”, “Thời thế”, “Nhành lúa”, “Dân chúng”, “Lao động”, “Tiếng nói của chúng ta”…bằng nhiều con đường khác nhau được phát hành rộng rãi ở Nha Trang, Phước Hải, Bình Tân.
Cùng thời gian này, đồng chí Nguyễn Văn Chi, vốn là một người con ưu tú sinh ra và lớn lên ở Trường Đông (Vĩnh Trường) được kết nạp vào Đảng 3/1931. Sau khi ra tù, đồng chí đã tập hợp những cơ sở cách mạng cũ, bạn học cũ tổ chức một vài nhóm nòng cốt, sinh hoạt và công tác như một tổ Đảng. Đồng chí đã vận động nhân dân lập hương ước, vận động thanh niên lập Hội bóng đá, lấy việc tập luyện thể thao để xây dựng tình đoàn kết, bàn việc nhà, việc nước; vận động đấu tranh chống bọn cường hào sách nhiễu nhân dân, bỏ hủ tục mê tín dị đoan. Đây là hạt giống đỏ trực tiếp gieo mầm cách mạng cho nhân dân bị áp bức bóc lột trên làng Phước Hải Hạ.
Trên cơ sở phong trào quần chúng phát triển, tổ chức Đảng từng bước được củng cố. Tháng 7/1938 đã thành lập được một chi bộ Cộng sản ghép từ các đảng viên ở Cầu Đá, Chụt gồm các đồng chí Đoàn Bá Thừa ở Chụt, đồng chí Nguyễn Liêm ở sở Lục lộ Nha Trang và đồng chí Nguyễn Lương ở sở Cá (Cầu Đá) do đồng chí Đoàn Bá Thừa làm Bí thư. Ngày 15/12/1938, đồng chí Trần Công Xứng triệu tập Hội nghị tại Ghềnh Đá (trên đường Cầu Đá đi Cửa Bé) gồm các đồng chí Trần Công Xứng, Đoàn Bá Thừa, Mai Dương, Nguyễn Liêm, Võ Đức Thuận, Nguyễn Lương. Hội nghị điểm lại tình hình trong tỉnh những năm qua và bàn cách tăng cường lãnh đạo phong trào; triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để mở rộng hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục và tập hợp quần chúng vào tổ chức; củng cố và phát triển cơ sở Đảng, xây dựng các tổ chức bí mật của Đảng đi đôi với việc phát triển tổ chức Mặt trận dân chủ; đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.
Ngày 09/02/1941, Nhật buộc Pháp phải ký Hiệp ước “Phòng thủ chung”, thực chất là cấu kết với nhau để đàn áp phong trào cách mạng, tiêu diệt Đảng Cộng sản và vơ vét, bóc lột nhân dân Đông Dương. Kể từ đây dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Phước Hải Hạ nói riêng phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” áp bức nặng nề của Nhật – Pháp. Tại Nha Trang - Vĩnh Xương, sau những đợt khủng bố của địch phong trào cách mạng tạm lắng, nhiều tổ chức Đảng bị vỡ, mất liên lạc với Trung ương.
Cuối năm 1942, đồng chí Trần Chí Hiền đã tìm gặp các đồng chí Trần Oanh, Trần Việt Châu, Nguyễn Duy Chính, Lê Hinh tổ chức hình thành các đầu mối cách mạng trong lực lượng hỏa xa Nha Trang do đồng chí Tôn Thất Vỹ phụ trách. Ở Phước Hải Hạ - Phước Hải, bên cạnh lực lượng Việt Minh còn có lực lượng hướng đạo sinh và thanh niên Phan Anh khá đông đảo, từ lực lượng này Đảng đã chủ trương phân công cán bộ Việt Minh vào phụ trách để phát triển tổ chức Việt Minh. Việt Minh Nha Trang cho ra đời tờ báo “Việt Nam” nhằm đăng tải những tin tức thời sự trong nước, về tình hình chiến tranh thế giới thứ II; viết bài cổ vũ lòng yêu nước trong công nhân, nông dân và các tầng lớp học sinh, sinh viên...
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính, hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ở Khánh Hòa, quân Nhật lật đổ Pháp một cách mau lẹ. Tại Nha Trang, có 1.200 người Pháp (cả quân sự lẫn dân sự) bị Nhật tập trung giam giữ, số lớn bị tập trung ở khách sạn Grand Hotel và Beau Rivage. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tình hình Đông Dương có sự chuyển hướng. Khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật - thực dân Pháp trước đây được thay đổi bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!”. Giữa lúc cao trào đang phát triển mạnh, do chính sách vơ vét, bóc lột của Nhật – Pháp nạn đói xẩy ra nghiêm trọng ở các tỉnh miền Bắc làm hơn hai triệu người chết đói. Đảng ta đã kịp thời đề ra khẩu hiệu “phá kho thóc giải quyết nạn đói!”. Đó là ngòi nổ phát động phong trào kháng Nhật cứu nước.
Ngày 17/8, Đại hội Việt Minh toàn tỉnh được diễn ra tại khóm Đồng Dưa (Phước Tân) bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại Nha Trang, bầu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm làm Chủ tịch; cùng ngày Hội nghị các đoàn thể Việt Minh Nha Trang - Vĩnh Xương đã được tiến hành. Hội nghị thống nhất lấy ngày 19/8/1945 làm ngày khởi nghĩa giành chính quyền và bàn kỹ việc huy động quần chúng, bố trí lực lượng theo dõi sự hoạt động phá rối của địch…. Sau hội nghị, lệnh khởi nghĩa đã theo chân các đại biểu về tận cơ sở. Đến ngày 18/8/1945 mọi công việc chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa đã hoàn tất.
Ngày 19/8/1945, theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa, nhân dân Phước Hải Hạ, cùng với nhân dân Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Hải… nô nức kéo về sân vận động Nha Trang. Đúng 15 giờ, ngày 19/8/1945, cuộc mítting ủng hộ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim thân Nhật trở thành cuộc mítting của Mặt trận Việt Minh. Khi phát lệnh làm lễ, cờ “quẻ ly” của chúng bị kéo xuống, cờ đỏ sao vàng được nhanh chóng kéo lên đỉnh cột cờ. Tuần vũ Phan Thanh Kỷ cùng một tên sĩ quan người Nhật bị thanh niên Việt Minh bắt giữ, thay mặt Việt Minh ông Đào Thiện Thi đọc diễn văn tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn thân Nhật, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh, tham gia giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc mítting biến thành cuộc tuần hành thị uy, đoàn người biểu tình đông hàng ngàn người tiến thẳng lên chiếm cơ quan tỉnh đường, tịch thu ấn tín và phương tiện làm việc. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn và thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Khánh Hòa. Sau đó theo hướng dẫn của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhanh chóng tỏa về các đường phố, chiếm lĩnh các công sở, trại bảo an, cảnh sát, nhà đèn, kho bạc và phá trại giam Nha Trang giải phóng tù nhân.
Việt Minh Phước Hải được lệnh kéo về địa phương, biến thành cuộc tuần hành thị uy. Bọn Nhật đóng quân ở Phước Hải Hạ, Vĩnh Trường án binh bất động, bọn hội tề thân Nhật hoang mang, lo sợ quần chúng cách mạng nên đem đồng triện (con dấu) và sổ sách giao cho Việt Minh ngay trong đêm. Việt Minh địa phương đã tuyên bố xóa bỏ tề ngụy, thành lập chính quyền cách mạng. Sau ngày 19/8, Ủy ban cách mạng lâm thời ở Phước Hải tổ chức cuộc mítting tuyên truyền thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được, tham gia bảo vệ chính quyền; đẩy mạnh sản xuất diệt giặc đói, tham gia bình dân học vụ diệt giặc dốt, tham gia công tác y tế - vệ sinh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong tự do, nhưng hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề. Đảng và Chính phủ đã xác định kháng chiến, kiến quốc là nhiệm vụ cấp bách trọng tâm của toàn thể nhân dân Việt Nam. Hưởng ứng phong trào “tuần lễ vàng”, “hũ gạo kháng chiến”…đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ Việt Minh, nhân dân Phước Hải Hạ đã tích cực hưởng ứng và thu được kết quả đáng trân trọng.
II. NHÂN DÂN LÀNG PHƯỚC HẢI HẠ THAM GIA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)
Hơn 02 tháng nhân dân Phước Hải Hạ được sống trong độc lập, tự do. Hòa bình nhưng chưa được hưởng trọn vẹn, thực dân Pháp âm mưu lại đặt ách thống trị lên toàn cõi Đông Dương một lần nữa. Đầu tháng 10/1945, sau khi đánh chiếm được Sài Gòn – Gia Định, hơn 1.000 quân Pháp từ chiến hạm Ri-sơ-liơ đổ bộ lên bãi biển Nha Trang trước khách sạn Bô-ri-va (khách sạn Hải Yến ngày nay), phối hợp với quân Nhật - Pháp tại chỗ chúng đánh chiếm nhiều vị trí quan trọng trong thị xã. Trên địa bàn Phước Hải Hạ, Bình Tân, các đồn quân Nhật vẫn đóng rải rác để chờ quân Đồng Minh vào giải giáp.
Trước tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp, Mặt trận Việt Minh tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo thị xã Nha Trang chấp hành mệnh lệnh của Trung ương: “Chủ động bao vây chặt quân địch trong thành phố, kiên quyết ngăn chặn âm mưu mở rộng phạm vi chiếm đóng của Pháp, kiên quyết giữ vững giao thông Bắc - Nam, bảo đảm chi viện cho Nam bộ kháng chiến”([1]).
Về quân sự, ở tuyến nội thị lực lượng công an xung phong và tự vệ phối hợp với thanh niên và nhân dân trong thị xã tiến hành đấu tranh du kích, gây tiếng nổ làm rối loại đội hình và tiêu hao lực lượng của địch. Trong giai đoạn này, thanh niên và nhân dân ở phía Tây Nam thị xã đều có sự phối hợp nhịp nhàng, khi thì đơn phương hoạt động tiêu hao sinh lực địch, khi lại dẫn dắt lực lượng công an, tự vệ, lực lượng vũ trang huyện đội Vĩnh Xương đột nhập vào Nha Trang chiến đấu.
Về kinh tế, thực hiện chủ trương của Thị ủy là bao vây, không cung cấp lương thực, thực phẩm cho địch, không đưa nguồn nông sản, hải sản lên Nha Trang bán mà do lực lượng cách mạng kiểm soát. Bên cạnh đó, nhân dân Phước Hải Hạ kết hợp đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, bắt một số gián điệp do địch tung ra từ Nha Trang xuống mua thực phẩm và dò la tin tức của lực lượng cách mạng. Rạng ngày 23/10/1945, lệnh tấn công quân Pháp trên toàn thành phố Nha Trang được phát ra bằng khối thuốc nổ ở hầm xe lửa số 1 (đèo Rù Rì), quân ta đồng loạt nổ súng tiến công quân địch trên nhiều địa điểm như: ga xe lửa, nhà đèn, sở thuốc, khu Bình Tân, đèo Rù Rì… Do bị tấn công bất ngờ, quân Pháp không chuẩn bị trước nên bị tổn thất, tiêu hao lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh. Sau choáng váng, quân địch đã ứng cứu giải vây, đánh chiếm lại các địa điểm mục tiêu quan trọng trong thị xã.
Ngày 22/11/1945, thực dân Pháp mở cuộc tấn công nhằm vào lực lượng cách mạng ta trên toàn thị xã Nha Trang. Do lực lượng của ta ở Nha Trang - Vĩnh Xương trang bị vũ khí thô sơ, không thể duy trì thế bao vây kìm chân địch và dần rút ra khỏi thị xã nhằm bảo toàn lực lượng để tiến hành chiến tranh du kích để tiêu diệt sinh lực địch.
Từ đầu năm 1946 trở đi, Pháp liên tục tăng cường lực lượng, mở rộng phạm vi chiếm đóng. Cuối tháng 01/1946, Pháp huy động 15.000 quân chia làm 02 cánh đánh chiếm Đà Lạt, Phan Rang, Ba Ngòi; Buôn Ma Thuột, Ninh Hòa uy hiếp đánh chiếm Nha Trang từ hai phía. Do chênh lệch lực lượng về mọi mặt nên quân ta rút dần về vùng nông thôn, thành lập phòng tuyến Cây Đa – Quán Giếng (Vĩnh Hiệp ngày nay) tiếp tục chiến đấu. Các lực lượng đơn vị tự vệ Nha Trang sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu kìm chân, tiêu hao địch ở Chợ Mới được lệnh quay về núi Chín Khúc (còn gọi là núi Thống Nhất tại Vĩnh Trung), đứng chân tại căn cứ địa Đồng Bò. Đến ngày 01/02/1946, phần lớn lực lượng chủ lực rút ra hết khỏi Nha Trang, kết thúc 101 ngày đêm chiến đấu anh dũng bao vây, kìm chân quân địch trong thị xã.
Với 101 ngày đêm chiến đấu anh dũng, nhân dân Phước Hải Hạ cùng với quân và dân phường Phước Hải, thị xã Nha Trang tỏ rõ tinh thần chiến đấu bất khuất “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững giao thông huyết mạch Bắc – Nam, góp phần chi viện cho Nam bộ kháng chiến.
Sau khi mở rộng phạm vi chiếm đóng Nam bộ và Nam Trung bộ, thực dân Pháp âm mưu tiến quân ra miền Bắc nhằm thôn tính cả nước. Hiệp định Hoa - Pháp được ký kết (28/02/1946) đã đặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào một tình thế khó khăn mới. Để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ, Đảng ta đã chủ trương “hòa để tiến”, ngày 06/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ta ký với Giăng-Xanhtơri đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định đình chiến (gọi tắt là Hiệp định Sơ bộ 6/3) nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi. Nhưng với bản chất của kẻ hiếu chiến, âm mưu thôn tính nước ta lâu dài, thực dân Pháp đã bội ước, ra tối hậu thư đòi ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu.
Từ tháng 3/1946, do yêu cầu của tình hình mới, chúng ta chủ trương sát nhập các làng nhỏ liên cư, liên địa thành đại xã. Để phục vụ cho chủ trương này, Huyện ủy Vĩnh Xương tăng cường cán bộ về địa phương, đưa đồng chí Nguyễn Duy (Bảy Lãnh) trở lại phụ trách chính quyền khu vực Đông Nam của huyện, thực hiện sát nhập các làng Trường Đông, Trường Tây, Bình Tân, Phước Hải, Vĩnh Xuân thành xã Xuân Hải trực thuộc Ủy ban hành chính huyện Vĩnh Xương.
Vào lúc 14giờ, ngày 20/3/1946 tại một địa điểm ở Phước Hải Trung, (phường Phước Hải) diễn ra Hội nghị gồm các đại biểu giữa các làng trên bầu ra Ủy ban hành chính kháng chiến với 20 người. Trong đó:
- Đồng chí Nguyễn Duy (Bảy Lãnh), Chủ tịch xã (người Trường Đông);
- Đồng chí Nguyễn Văn Trinh, Phó Chủ tịch (người Phước Hải);
- Đồng chí Nguyễn Văn Cây,Thư ký (người Trường Tây);
- Đồng chí Nguyễn Chót, Ủy viên quân sự (người Trường Đông);
- Đồng chí Nguyễn Kiên, Công an (người Bình Tân).
Một tháng sau, đồng chí Nguyễn Duy (Bảy Lãnh) được Huyện ủy Vĩnh Xương bố trí đi học ở trường Trung cấp hành chính Trung bộ ở Huế, khi trên đường về, đồng chí bị địch bắt (từ 8/1946 - 7/1948); đồng chí Võ Văn Hào (tức Hổ) được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Xuân Hải.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, sáng ngày 30/10/1946, đông đảo quần chúng nhân dân do Việt Minh từng thôn vận động từ các làng của Bình Tân, Trường Đông, Trường Tây, Phước Hải Hạ, Vĩnh Xuân có sự phối hợp với các xã Bích Hải (gồm Bích Đầm, Bãi Trũ, Trí Nguyên) tập trung khoảng 1.000 người biểu tình ở bãi xăng dầu quân sự thuộc làng Trường Đông và Trường Tây (nay thuộc kho xăng Chụt - Vĩnh Nguyên). Khẩu hiệu được Việt Minh đưa ra là “yêu cầu nhà chức trách Pháp thi hành nghiêm chỉnh nội dung thỏa hiệp 14/9”. Để đối phó với đoàn biểu tình, một trung đội lính Pháp từ Nha Trang xuống, phối hợp với lính ở đồn đang đóng ở Chụt bao vây và kiềm chế khu biểu tình. Sau đó chúng cử tên đại diện Tòa Đốc lý Pháp là Sè-rene ra tiếp xúc với đại diện Việt Minh của ta trong cuộc mítting. Phía ta, đã chỉ định đồng chí Cơ làm đại diện Việt Minh đối thoại với Pháp, đi cùng còn có các đồng chí Mai Đồng và Nguyễn Thị Ánh vừa để bảo vệ, vừa phiên dịch. Cuộc đối thoại diễn ra gay gắt, đại diện Việt Minh của ta đòi Pháp thi hành nghiêm chỉnh nội dung của bản Tạm ước 14/9, ngừng bắn và sớm trao trả độc lập, tự do cho nhân dân ta. Với bản chất ngoan cố, Pháp khước từ những mong muốn chính đáng đó với luận điệu “ai cho các anh độc lập tự do, tinh thần bản Tạm ước 14/9 chỉ là việc thương lượng giữa hai Chính phủ về tìm giải pháp giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam mà thôi…”. Đại diện của Pháp yêu cầu ta giải tán cuộc biểu tình để chờ sự giải quyết chung của hai Chính phủ.
Cuộc đấu tranh này, tuy không đạt được nhiều kết quả mong muốn, nhưng đã lựa chọn được nhiều cán bộ cốt cán bồi dưỡng để kết nạp Đảng như Hồ Thị Sâm, Huỳnh Phổ, Huỳnh Nghi, Nguyễn Nam (tức Do Anh), Nguyễn Văn Chiêu, Lương Rô, anh Minh, chị Cụt, chị Hường, chị Mưa. Quá trình tôi luyện trong đấu tranh như Huỳnh Tưởng, Phạm Thị Bấc, Mai Đồng, Nguyễn Hoành được kết nạp vào Đảng ngày 24/12/1946, hình thành chi bộ dự bị của Đảng. Đồng chí Mai Đồng được bầu làm Bí thư chi bộ. Đến ngày 20/2/1947, chi bộ xã Xuân Hải được công nhận chính thức do đồng chí Mai Đồng làm Bí thư.
Tại Nha Trang - Khánh Hòa, tháng 5/1946, tổ chức Công đoàn Đường sắt Nha Trang ra đời. Nhiệm vụ của Công đoàn Đường sắt Nha Trang là làm “con thoi” trên tuyến đường sắt của địch, đảm bảo bí mật việc đưa đón, đi lại, di chuyển đổi vùng cho cán bộ hoạt động, cung cấp tin tức, chuyển và rải truyền đơn, tài liệu, báo chí cách mạng. Phương thức hoạt động hoàn toàn bí mật, chia làm nhiều tổ; mỗi tổ 3 người, đoàn viên tổ nào biết đoàn viên tổ mình, liên lạc, hội họp, nhận nhiệm vụ qua việc dùng hòm thư “chết”, nhờ đó mà giữ vững được hoạt động. Công đoàn Đường sắt Nha Trang gồm khối nhà và đường, khối ga và xa vụ, khối xưởng và Đề pô, khối văn phòng quận 3 đường sắt Việt Nam.
Trên địa bàn Phước Hải, anh Hoàng Văn Đắc, tài xế xe lửa, nhà ở 32 đường Đồng Nai, làm nhiệm vụ chuyển thư từ Nha Trang đến Phan Thiết, ngược lại từ Phan Thiết về Nha Trang. Anh Đặng Tác, công nhân xe lửa nhà ở 30 đường Đồng Nai rải truyền đơn vào xe “3 ngôi sao trắng”, đơn vị tinh nhuệ của Pháp đánh ở An Khê về Nha Trang và rải truyền đơn kêu gọi lính ngụy về với gia đình. Các tổ chức trong Mặt trận Việt Minh có từ trước đó như Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc, … làm nhiệm vụ vận động nhân dân Phước Hải góp gạo nấu cơm, nắm cơm đưa tập trung tại đình làng Phước Hải để tiếp tế cho bộ đội ở Mặt trận đánh Pháp.
Ở Phước Hải, cán bộ thường bắt rễ vào từng gia đình, đây là một đặc điểm riêng phù hợp với địa phương. Đồng chí Mai Xuân Cống, năm 1946 là Chủ nhiệm Việt Minh Nha Trang đóng cơ quan tại nhà bà Hộ trên đất Phước An Nam; tháng 2/1947, cơ quan rút ra ngoài, tiếp theo cả nhà bà Hộ làm địa điểm liên lạc đưa cán bộ, bộ đội qua sông. Việt Minh bắt rễ vào nhà các anh Minh (đen) ở đường Đồng Nai, anh Hường ở xóm Gò, anh Trung thợ mộc ở gần Mã Vòng; anh Linh là Trưởng ban công an xã Xuân Hải; anh Ba Em ở khu vực trồng rau, anh Bảy Chạy, anh Vọng, anh Bảy cai thợ hồ; gia đình ông Trần Lợi với con là Trần Quang Minh. nuôi dấu cán bộ thời chống Pháp.
Ngày 20/01/1947, Ủy ban kháng chiến thị xã Nha Trang được thành lập. Cùng thời gian, Tỉnh ủy cũng triệu tập Hội nghị chi bộ thị xã tại Hòn Ngang (Diên Khánh) để xem xét thành lập Thị ủy Nha Trang. Sau đó, đồng chí Trương An, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã công bố quyết định thành lập Thị ủy Nha Trang([2]). Thị ủy Nha Trang đã chọn Đồng Bò (xã Phước Đồng), một dãy núi nằm về phía tây Nam, cách thị xã chừng 4km đường chim bay làm sở chỉ huy kháng chiến.
Ở xã Xuân Hải, các cơ sở cách mạng được xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả. Tháng 02/1947, thực hiện chủ trương của Thị ủy, Chi bộ Đảng ở xã Xuân Hải đã lãnh đạo cuộc tập kích vào đồn Ge-nie (Đồn lính Khố đỏ) của Pháp đóng ở Chụt. Ta đã nã súng và ném lựu đạn vào đồn gây cho địch nhiều thương vong và hư hại nhiều phương tiện vũ khí. Tuy địch bị động, nhưng có sự yểm trợ từ Nha Trang kéo xuống phản kích. Quá trình rút lui, quân ta có khoảng 100 người di chuyển bằng ghe, bơi lội qua sông, địch truy kích, xả súng bắn làm nhiều đồng chí của ta hi sinh như đồng chí Cơ, Dương Côi; đồng chí Võ Văn Hào (tức Hổ) bị chết đuối. Ngay sau khi các đồng chí lãnh đạo của xã hi sinh, Thị ủy điều động đồng chí Lê Lương (tức Giáo Lương), cán bộ quân sự huyện về xã Xuân Hải thay thế đồng chí Cơ làm Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch xã để ổn định lãnh đạo. Thị ủy cũng tăng cường một số cán bộ phụ nữ như chị Võ Mộng Phi, chị Oanh về làm công tác động viên và vận động quần chúng. Một tháng, tình hình ổn định chi bộ họp bầu đồng chí Huỳnh Tưởng làm Bí thư chi bộ mới. Đồng chí Huỳnh Tưởng đã thay đổi nhiều phương thức hoạt động, củng cố lại Ủy ban kháng chiến gồm có đồng chí: Nguyễn Hoành (Giáo Hai), Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Văn Cang, Phó Chủ tịch; đồng chí Phạm Long (Bốn Giáo) Thư ký; đồng chí Dương Hổ, xã Đội trưởng.
Sau trận tập kích, địch gắt gao truy lùng cán bộ, phong tỏa tiếp tế chiến khu, dồn dân, bắt lính; mở rộng mạng lưới tình báo, ra sức lập tề, dồn cán bộ lên núi tách quần chúng ra khỏi cách mạng; đối với chiến khu, chúng mở các đợt càn quét nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Trước sự bủa vây, tấn công gắt gao, ác liệt của địch, chi bộ Đảng đã lãnh đạo quần chúng tạm thời rút lui, nằm yên để bảo toàn lực lượng. Về cơ quan đầu não của xã đóng ở Cồn Xẹp phải dời vào Suối Sâu để tránh địch. Phong trào cách mạng ở Xuân Hải vẫn giữ thế cầm cự trong giai đoạn cách mạng khó khăn, lực lượng cách mạng không những không bị tiêu hao mà còn tích lũy thêm kinh nghiệm đấu tranh.
Từ năm 1947 trở đi, xã Xuân Hải có nhiều sự thay đổi về cán bộ chủ chốt, gây xáo trộn tạm thời trong lãnh đạo phong trào. Đồng chí Mai Đồng được Huyện ủy Vĩnh Xương rút về huyện phụ trách công tác thanh vận. Cuối năm 1948, đồng chí Huỳnh Tưởng được rút đi đào tạo cán bộ. Đồng chí Phạm Thị Bấc (tức Huân) được chi bộ bầu làm Bí thư; đồng chí đã chú trọng nhiều đến công tác xây dựng Đảng và công tác giáo dục quần chúng giữ vững tinh thần yêu nước trước nhiều âm mưu, thủ đoạn của địch; đồng thời đẩy mạnh công tác địch vận nhằm hạn chế mức độ kìm kẹp của ngụy quân, ngụy quyền.
Năm 1948, thực hiện chủ trương “chiến sĩ tiến về làng” của Tỉnh ủy với phương châm “tin vào dân, dựa vào dân, nhân dân là lũy thép” để nắm dân giành thế chủ động chiến lược, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Chi bộ xã Xuân Hải đã phân công đảng viên thành từng tiểu tổ tiến về làng để xây dựng cơ sở. Trên địa bàn xã Xuân Hải có 9 hầm bí mật, trong đó ở Bình Tân có 3 hầm tại nhà ông Giây, chị Hoài, bà Ra; ở Trường Đông có 3 hầm tại nhà ông Tư Than, ông Nguyễn Văn Chi, ông Cao Sáo; ở Trường Tây có 2 hầm tại nhà bà Chín, anh Lê Cô; ở Phước Hải có 1 hầm tại nhà Nguyễn Luông. Nhờ có các hầm bí mật mà cán bộ cách mạng hoạt động ở các làng được an toàn, nề nếp sinh hoạt của các đoàn thể được giữ vững, mọi hoạt động của công tác chính quyền được duy trì. Đến giữa tháng 6/1949, vì nhu cầu lãnh đạo, đồng chí Phạm Thị Bấc được Huyện ủy rút về làm công tác phụ vận. Tháng 7/1949, đồng chí Nguyễn Văn Chiêu được bầu làm Bí thư chi bộ.
Tình thế cách mạng ở Khánh Hòa, từ nửa sau năm 1949 trở đi có những đổi thay nhanh chóng. Tháng 6/1949, Hội nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa họp bàn chủ trương “chuẩn bị đẩy mạnh sang tổng phản công” với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”. Tháng 11/1949, chủ trương của Liên khu V đưa lực lượng chủ lực vào mở chiến dịch Đông - Xuân 1949 - 1950 ở Nam Khánh Hòa. Đến tháng 12/1949 thực hiện chủ trương của Quân khu, Trung đoàn 803 mở chiến dịch Nam Khánh, gọi là “chiến dịch Trường Chinh”([3]).Thực hiện chủ trương của tỉnh, bộ đội chủ lực của Khu V và tỉnh Khánh Hòa về chiến khu Đồng Bò, phối hợp với bộ đội địa phương, yểm trợ cho các huyện, thị phía Nam tỉnh hoạt động tiêu hao sinh lực địch, chuẩn bị phản công.
Hội mẹ chiến sĩ khu Nam Khánh “người đỡ đầu” cho đại đội 252, trực tiếp thăm hỏi bộ đội chủ lực và bộ đội 252 trên chiến trường chính. Hội phụ nữ phân công đồng chí Hồ Thị Sâm (người của phường Phước Hải) lo việc mua gạo tiếp tế từ Nha Trang về Bình Tân, Trường Đông, đêm đến bố trí du kích nắm đồn địch để ghe chở gạo qua sông tiếp tế cho chiến khu Đồng Bò. Đây là “mạch máu giao thông” trung kiên, giữ đường dây liên lạc, làm thủy thủ chở gạo qua Hòn Rớ, vượt Sông Lô, vào Đồng Bò. Những người con của vùng đất xã Xuân Hải như anh Nguyễn Niên, Nguyễn Trung Chánh, ông Tân, ông Cẩm, ông Thôi, ông Dương, anh Đan, anh Lực, má Hiếu, má Tam… là những chiến sĩ tiếp tế giao thông đã đi vào lịch sử của Phước Hải mà nhân dân không bao giờ quên.
Trong “chiến dịch Trường Chinh”, Thường vụ Khu ủy V đã cử phái đoàn (có các đồng chí Lê Tươi, Lê Thái Hòa) vào kiểm tra các tỉnh miền Nam, trong đó có kiểm tra Nam Khánh. Đoàn đã có nhận xét về xã Xuân Hải: Tổ chức Đảng ở Xuân Hải hình thành sớm và phát triển đảng đông đảo; lực lượng nữ đảng viên đông, có một nữ Bí thư chi bộ đầu tiên của Liên khu; cán bộ nòng cốt của Đảng giữ vai trò chủ chốt trong các hoạt động, nắm được dân, bám được làng, sớm có hầm bí mật đều khắp ở các thôn trong xã; tổ chức tiếp tế, nuôi quân, diệt ác phá tề, tập kích đồn, mítting quần chúng tại các làng khá sôi nổi; phong trào dân quân du kích bám đồn địch, bảo vệ cán bộ cách mạng vững mạnh, phong trào quần chúng tham gia mọi mặt công tác cách mạng đông đảo mặc dù ở đây âm mưu, thủ đoạn của địch vô cùng thâm ác. Công tác địch vận, phá tề đều đảm bảo tốt([4]).
Như vậy, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với sự phát triển chung của Khánh Hòa và cả nước, phong trào cách mạng của nhân dân xã Xuân Hải phát triển liên tục, không bị gián đoạn. Nét nổi bật ở đây là phong trào cách mạng luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, các cơ sở cách mạng được bảo vệ bởi quần chúng nhân dân và ngay từ đầu đã có mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Sau “chiến dịch Trường Chinh”, đầu năm 1950 địch hoạt động mạnh ở khu Nam Khánh bao vây căn cứ địa Đồng Bò nhằm cách ly quần chúng với chiến khu. Thực dân Pháp đóng thêm đồn kiểm soát tại ngã ba khóm Trường Thọ - Bình Tân với quân số chừng 1 đại đội, có tên Khương là thông ngôn viên. Chúng thành lập đoàn hải thuyền để kiểm soát vùng biển, vùng sông ngăn chặn ghe của nhân dân ta tiếp tế cho chiến khu và ngăn chặn cán bộ cách mạng về làng trong đêm. Chúng thành lập Viễn vọng đài (đài quan sát từ xa) ở Hòn Rớ để nắm tình hình chiến khu; xen kẽ vào đó là các đợt thọc sâu phục kích những yếu lộ tiến quân của ta như Gò Bông, Vườn Xoài, Đá Chẹt…Chúng dùng lực lượng cảnh sát yểm trợ cho bọn tề điệp khống chế, kìm kẹp nhân dân, chỉ điểm bắt một số cơ sở cách mạng của ta, phá hầm bí mật, bắt hụt đồng chí Chiêu, bắn trọng thương đồng chí Phạm Thị Bấc ở khu Hòn Ông, bắt cán bộ nằm làng như chị Khuyên… Bên cạnh đó, chúng lùng sục ghe câu ngoài biển, trên sông để bắt thanh niên đi lính; tăng cường kiểm soát nhân dân nhằm hạn chế việc đi lại mua gạo, tiếp tế cho cách mạng. Những hoạt động của địch tại khu Nam đã đánh bật được lực lượng cán bộ lên núi, tách rời được quần chúng với cán bộ bằng chính sách vừa mua chuộc, vừa khủng bố. Phong trào cách mạng của quần chúng khu Nam bị gián đoạn, cán bộ, chiến sĩ của ta đứt liên lạc với địa phương, chiến khu ngày càng bị phong tỏa; tư tưởng của một số cán bộ bị dao động, cầu an, tiêu cực, cơ quan lãnh đạo xã Xuân Hải bị đánh úp, nhiều người hi sinh, địch đạt được mục tiêu tách cán bộ rời khỏi quần chúng.
Ngày 03/9/1950, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đã họp rà soát lại tình hình ở nội thị Nha Trang; đánh giá một số khó khăn của ta sau khi vỡ cơ sở, phần lớn cán bộ Thị ủy thoát lên chiến khu, sự chỉ đạo của Thị ủy tạm thời gián đoạn. Trong khi đó địch mở rộng phạm vi kiểm soát thị xã. Tháng 9/1950, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường cho Nha Trang một số cán bộ, đồng chí Lưu Văn Trọng, Tỉnh ủy viên được giao trọng trách làm Bí thư Thị ủy Nha Trang, thay thế đồng chí Nguyễn Văn Minh được cử đi học. Tỉnh ủy cũng quyết định mở rộng địa bàn Nha Trang ra một số xã của Vĩnh Xương như Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Ngọc Sơn (nay là Ngọc Hiệp), Xuân Hải để xây dựng vùng ngoại vi làm bàn đạp cho thị xã. Thị xã Nha Trang lại chia thành 2 vùng ngoại ô và nội thị. Nội thị có 3 khu: khu I, khu II và khu III; ngoại ô có 3 khu: khu Nam, khu Tây và khu Bắc.
Chi ủy xã Xuân Hải được kiện toàn gồm những đồng chí thoát ly ở chiến khu về. Chi ủy đã đẩy mạnh hoạt động trong khu Nam. Tuy nhiên, lúc này địch đã thành lập các đồn bốt, càn quét lực lượng cách mạng, đẩy ta vào thế phải rút lên núi, tách quần chúng với Đảng nên các hoạt động đều bị thất bại. Trong năm 1951, các cơ sở cách mạng của ta ở xã Xuân Hải bị địch đánh úp, nhiều cán bộ cách mạng trung kiên hi sinh trong đó có đồng chí Bí thư chi bộ khu Nam Nguyễn Văn Yêm; đồng chí Phạm Thị Bấc, một nữ Thị ủy viên trung kiên, người cán bộ thân yêu và tin cậy của nhân dân bị địch bắn, hi sinh trên biển([5]), các ông Lân, ông Kim, con chị Huân cũng hi sinh.
Sau tổn thất này, chi bộ xã Xuân Hải đã họp kiểm điểm và nêu rõ: (1) Chi bộ có kế hoạch sâu sát, linh hoạt. (2) Được đa số nhân dân tham gia, có những người trong hàng ngũ địch ủng hộ. (3) Phá được chủ trương kiểm soát dân lập tề của địch. (4) Chi bộ xác định, đoàn kết đấu tranh là yếu tố thắng lợi vinh quang và không có một cuộc đấu tranh nào mà không có tổn thất, miễn là sự tổn thất ấy làm nổi bật được cuộc đấu tranh đạt được thắng lợi và thắng lợi vinh quang ấy thuộc về người đấu tranh. (5) Thắng lợi nhưng không chủ quan, địch thua keo này bày keo khác, ta phải củng cố lực lượng, nắm vững tình hình chuẩn bị những cuộc đấu tranh tiếp diễn quyết liệt hơn([6]).
Đúng như nhận định của chi bộ xã Xuân Hải, do địch thất bại trong việc lập tề kìm kẹp nhân dân, chúng bắt đầu dùng những thủ đoạn xảo quyệt và quyết liệt hơn. Chúng thực hiện chủ trương tập trung đồng bào để lập “vành đai trắng”. Chúng lập thêm đồn ở Trường Đông (nay thuộc khóm Trường Sơn – Vĩnh Nguyên), đóng ở đây một Trung đội bảo an do Hồ Lưu, một tên ác ôn ở Nha Trang xuống chỉ huy. Đồn này có nhiệm vụ kiểm soát dân, điều hành bộ máy tề điệp Trường Đông và Bình Tân; chúng cũng tăng cường 2 bốt gác: một bốt ở cửa biển khóm Trường Thọ để kiểm soát người và ghe ra vào biển, một bốt ở chợ Bình Tân để đốc thúc kiểm tra việc tập trung đồng bào, cách ly cán bộ với nhân dân vào ban đêm.
Cùng thời gian này, đồng chí Huỳnh Nghi sau khi được bổ sung vào Chi ủy phụ trách dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc khu Nam, kiêm đội trưởng công tác đã kiện toàn được các đoàn thể quần chúng, củng cố được Ban chính quyền, khống chế được bọn điệp báo, nắm được một số lính Pháp ở đồn. Với mục đích quyết giành dân, phá chủ trương của địch, Thị ủy Nha Trang đã họp và quyết định đấu tranh chống cấm biển làm trung tâm để phá chủ trương dồn dân, nắm dân của địch. Ban chỉ đạo chống cấm biển được Thị ủy thành lập, gồm: Đồng chí Lê Đoan, Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban; Đồng chí Mai Xuân Cống, Chủ tịch Ủy ban, phó Ban; Đồng chí: Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Liên Việt, ủy viên. Ban lãnh đạo đấu tranh gồm các đồng chí: Huỳnh Tưởng, Bí thư chi bộ khu Nam, Trưởng ban; Đồng chí Huỳnh Lăng, Chủ tịch Liên Việt khu Nam, phó Ban; Các đồng chí Nguyễn Đâu, khu đội trưởng khu Nam; Hồ Thị Sâm, cán bộ khóm Bình Tân; Đoàn Thị Diệu, người Trường Tây (Chụt) làm Ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đan chịu trách nhiệm liên lạc đường biển từ Chụt về căn cứ Đồng Bò. Thấm nhuần phương châm đấu tranh từ thấp lên cao, quy mô từ nhỏ đến lớn. Cuộc đấu tranh bắt đầu bùng nổ từ tháng 3/1951 và đến thượng tuần tháng 5/1951. Từng nhóm người ở Trường Tây, Phước Hải xuống, từ đường Duy Tân (nay là đường Trần Phú) kéo lên; tiểu thương và nhân dân từ xe lam, ô tô bến xe Chợ Đầm… kéo vào khu vực đầu não của địch ở tỉnh đường. Đoàn người đấu tranh ngày một đông và tập trung nhanh chóng làm cho bộ máy của địch kể cả tên tỉnh trưởng Hoàng Phúc Hải bất ngờ. Đoàn người vừa đi vừa hô to khẩu hiệu “Đói quá xin mở cấm biển cho dân làm ăn”. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, tên tỉnh trưởng Hoàng Phúc Hải buộc phải cho mời người đại diện của đoàn đấu tranh là ông Nguyễn Hóng vào văn phòng tỉnh trưởng giải quyết.
Trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, tên tỉnh trưởng Hoàng Phúc Hải buộc phải bỏ lệnh cấm biển. Đồng bào được ra khơi làm ăn cả ngày lẫn đêm, đời sống được cải thiện…Sau khi cuộc đấu tranh chống cấm biển kết thúc thắng lợi, từ giữa năm 1951 trở đi, tinh thần đấu tranh cách mạng, hăng say lao động ra khơi đánh bắt của nhân dân xã Xuân Hải lên cao. Cuộc đấu tranh tuy chưa đạt được mục đích nhưng đây là cuộc tập dượt, biểu dương lực lượng của nhân dân. Cuộc biểu tình tay không của đồng bào thị xã Nha Trang trước bạo lực của kẻ thù càng làm sôi sục lòng căm thù của các tầng lớp nhân dân đối với bọn xâm lược và tay sai. Phong trào đã gây tiếng vang lớn trong toàn tỉnh và khu V.
Vào năm 1953, sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã lâm vào tình thế phòng ngự bị động, ngày càng phụ thuộc vào Mỹ. Đế quốc Mỹ tìm cách can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp ở Đông Dương. Ngày 7/5/1953, được sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Nava (Navarre) làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava đã đề ra kế hoạch tham vọng với mục tiêu trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.
Về phía ta, tháng 7/1953, Bộ Chính trị đã họp và nêu cao quyết tâm chiến lược đánh bại kế hoạch Nava. Đảng bộ Khánh Hòa đã quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và những chỉ thị của Liên khu V về đẩy mạnh du kích chiến tranh ở các vùng sau lưng địch. Phối hợp với Bắc Khánh, tại chiến trường Nam Khánh (Nha Trang - Vĩnh Xương) quyết tâm phối hợp với chiến trường cả nước đánh bại địch trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954. Ngày 21/1/1954, quân và dân xã Xuân Hải, mà trực tiếp là du kích địa phương phối hợp với tổ đặc công của tỉnh đã tiến hành công kích và đốt cháy gần 4 triệu lít xăng ở kho xăng Phước Hải.
Bộ đội đại đội 252 cùng với các đơn vị tự vệ trên địa bàn và công an xung phong liên tục đánh một loạt đồn bốt của địch. Đầu năm 1954, bộ đội 252 phối hợp với lực lượng vũ trang thị xã Nha Trang đánh sập đồn Bình Tân, đồn Trường Đông, diệt và bắt trên 80 tên địch, trong đó có tên ác ôn Hồ Lưu. Sau khi chiếm được 2 đồn địch, nhân dân đã kìm chế bọn lính ngay ở trong đồn, tịch thu nhiều vũ khí giao cho cách mạng.
Ngày 07/5/1954, thực dân Pháp thất bại, Bộ chỉ huy của tướng Nava tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và 16.200 lính bị tiêu diệt và bắt sống. Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp kéo dài 9 năm đã kết thúc. Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trước diễn biến mới của tình hình, chủ trương của Bộ Chính trị là chuyển từ đấu tranh vũ trang chống Pháp sang đấu tranh chính trị chống Mỹ - Diệm, đòi thi hành Hiệp định Geneve, bảo vệ hòa bình, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng.
III. NHÂN DÂN LÀNG PHƯỚC HẢI ĐẤU TRANH CHỐNG CHẾ ĐỘ MỸ - NGỤY, TIẾN TỚI GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (1954 - 1975)
Cuối tháng 7/1954, Khu ủy V đã quyết định thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa do đồng chí Lê Thanh Liêm làm Bí thư, đồng chí Mai Xuân Cống làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đầu tháng 8/1954, tại Am Chúa (Đại Điền Trung - Diên Khánh) đồng chí Mai Xuân Cống đã triệu tập hội nghị cán bộ, đảng viên được phân công ở lại Nha Trang để lãnh đạo đấu tranh đòi địch thực hiện Hiệp định Geneve. Nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và nhân dân Nha Trang là: Tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập Hiệp định Geneve, tình hình và nhiệm vụ mới; tiếp tục nắm chắc và phát triển các cơ sở cách mạng đã có trong thời kỳ chống Pháp để bảo vệ lực lượng, giữ vững mối liên hệ giữa Tỉnh ủy và các huyện, thị. Đảng bộ Nha Trang còn giữ nhiệm vụ đưa đón cán bộ chuyển vùng, nhận và chuyển tài liệu của cấp trên cho các đơn vị và cơ sở. Trên địa bàn xã Xuân Hải, nhân dân thực sự làm chủ, dự các cuộc mítting, tổ chức văn nghệ chào mừng hòa bình, đi viếng thăm và tảo mộ bia liệt sĩ ở Đồng Bò.
Tháng 02 năm 1955, Thị ủy Nha Trang đã phát động phong trào đòi hòa bình và dân chủ. Ủy ban Bảo vệ hòa bình được thành lập, cử ông Nguyễn Quý Phầu làm Chủ tịch để tập hợp giới trí thức và quần chúng nhân dân. Thị ủy Nha Trang, một mặt xây dựng cơ sở nội thị và các xã ven đô, mặt khác xây dựng cơ sở đứng chân ở Đồng Bò. Địch cũng tìm mọi thủ đoạn để phá căn cứ của ta, tập hợp nhiều gián điệp, biệt kích thăm dò, bắt bớ cán bộ cách mạng…
Từ đầu năm 1955, bọn tề hội do tên Đào Hùng làm đại diện xã, có địa phương quân và công an mật yểm trợ hoạt động mạnh, phát triển mạng lưới gián điệp, truy lùng cán bộ, lục xét nhà dân nhằm tìm cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong nhân dân. Nhiều cán bộ, cơ sở cách mạng bị lộ, địch đẩy mạnh khám xét. Các đồng chí Phạm Cợt phải rút lên núi, Phù Nhiệm vào Nam, đồng chí Huỳnh Tưởng đi họp ở tỉnh tại căn cứ 175D Hòn Dữ về cũng không thể nằm ở làng hoạt động được vì địch phục kích dày, nhân dân bị dao động.
Cuối năm 1955, cán bộ của xã Xuân Hải bị địch đánh bật lên núi, bọn “Phong trào cách mạng quốc gia” do đảng Cần lao nhân vị tổ chức và chỉ huy (hầu hết là công an, mật thám) hoạt động mạnh, khống chế được tình hình. Trước sự kìm kẹp khủng bố hoạt động quân sự và nhiều âm mưu thâm độc của địch, cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Pháp bị tan rã, cơ sở mới chưa được tổ chức rộng nên phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Để làm chủ hoàn toàn miền Nam và hất cẳng chính quyền Bảo Đại thân Pháp, ngày 23/10/1955, Diệm tổ chức “Trưng cầu dân ý”, phế truất Bảo Đại và đưa Diệm lên làm Tổng thống. Trong việc bầu cử tổng thống ở miền Nam, chúng đưa hai ứng cử viên để nhân dân so sánh, “lựa chọn” là Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Về phiếu bầu, chúng dùng phiếu hai màu xanh (Bảo Đại), đỏ (Diệm). Chúng bắt nhân dân học thuộc lòng “phiếu đỏ thì bỏ vào bì/ phiếu xanh Bảo Đại vậy thì vứt đi”. Sau cuộc bầu cử mà chúng cho là “dân chủ”, là dân “lựa chọn”, Diệm chính thức lên làm Tổng thống ở miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1956, Diệm tổ chức bầu cử “Quốc hội”; tháng 10/1956 ban hành cái gọi là “Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa”. Ngô Đình Diệm đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” đợt 2, thâm độc hơn, ác liệt hơn.
Trước những âm mưu, hành động tàn bạo của kẻ thù, từ năm 1956 phong trào cách mạng miền Nam nói chung, ở Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng, nhất là vùng đồng bằng và thị xã gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất. Tại xã Xuân Hải, địch tiến hành lùng sục gắt gao, việc tiếp tế cho chiến khu Đồng Bò và cán bộ về làng ban đêm rất khó thực hiện. Nhiều cán bộ cốt cán như đồng chí Huỳnh Lăng buộc phải dạt ra nằm ở bìa rừng Trường Đông, chịu đói 2 ngày mới liên lạc được với cơ sở. Để đảm bảo an toàn vòng ngoài, đồng chí Huỳnh Lăng và Phạm Cợt đã tìm hang hầm đá ẩn trú và ở nhà ông Nguyễn Chánh để duy trì hoạt động.
Tháng 5 năm 1955, Tỉnh ủy Khánh Hòa từ Suối Cau thuộc căn cứ 175D về đóng ở căn cứ Đồng Bò, trực tiếp chỉ đạo Nam Khánh và phát triển mạng lưới giao thông đường biển ra Bắc Khánh. Chi bộ Đảng của xã cũng phải gánh thêm một phần tiếp tế và cắt cử cơ sở phục vụ Tỉnh ủy. Mặc dù nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, nhưng cán bộ và nhân dân xã Xuân Hải vẫn một lòng son sắt, trung thành với Đảng làm cơ sở “bàn đạp” cho cách mạng. Ở Bình Tân, những cơ sở như Huỳnh Cúc, Huỳnh Phuông, Võ Pha, Nguyễn Nấm, Huỳnh Trợ, Phù Chín, Phù Chức, Nguyễn Can, Huỳnh Hổ, Mai Thị Hường, Phù Chông, Nguyễn Rác, Trương Di, Nguyễn Nhánh. Ở Phước Hải có Nguyễn Châu, Nguyễn Thông, Trương Gầu vẫn trung kiên bám trụ địa bàn và đảm bảo an toàn lực lượng cho cách mạng. Mặc dù nhiều cơ sở cách mạng được phát triển mới, nhưng do lúc này địch tăng cường lùng sục, đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng”, đàn áp mạnh nên nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên phải rời địa phương đi nơi khác, số thì bị địch bắt giam, tù đày. Tháng 3/1956, đồng chí Mai Xuân Cống bị địch bắt, tiếp đó nhiều cán bộ và cơ sở cách mạng cũng bị sa vào tay giặc.
Để đảm bảo việc chỉ đạo, năm 1957 thị xã Nha Trang được ghép vào huyện Vĩnh Xương gọi là Vĩnh Trang do đồng chí Huỳnh Tưởng làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Nghiềm làm Phó Bí thư. Chủ trương của liên Huyện ủy là chuyển số cán bộ lãnh đạo và đảng viên thoát ly ở căn cứ về ra sống và hoạt động hợp pháp. Đây là một sai lầm nghiêm trọng mang tính chiến lược, trong khi địch đang thực thi chính sách “tố cộng, diệt cộng” cực kỳ phản động. Nhiều cán bộ cốt cán của tỉnh và thị xã bị địch bắt, giết hại. Một số ít cơ sở còn lại ở thôn, xã sau khi các đồng chí lãnh đạo trực tiếp đó ra hoạt động hợp pháp, hoặc chuyển vùng, đồng chí mới đến không nắm được cơ sở. Một số ấp của Vĩnh Xương như Phú Vinh, Xuân Lạc, Phú Nông, Thái Thông… cùng với Trường Đông có nhiệm vụ truyên truyền giáo dục, giữ vững lòng tin cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ và tiếp tế một số nhu yếu phẩm cho cơ quan huyện Thị ủy, Tỉnh ủy tại chiến khu Đồng Bò.
Quán triệt Nghị quyết 15-NQ/TW, và Chủ trương của Tỉnh ủy, Thị ủy chọn những người ưu tú thành lập tổ diệt ác, trừ gian trừng trị những tên ác ôn để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Tháng 7/1959, Ngô Đình Diệm ra “Luật 10/59”, thiết lập 3 tòa án quân sự đặc biệt, công khai chém giết đồng bào ta. Đây được coi là một tội ác dã man nhất đối với cách mạng Việt Nam của Ngô Đình Diệm. Đầu năm 1960, khắp miền Nam, phong trào “đồng khởi” nổ ra ở các tỉnh Nam bộ, Tây Nguyên và Trung Trung bộ phá vỡ nhiều mãng kìm kẹp của địch. Phong trào “đồng khởi” giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, đánh dấu bước phát triển của cách mạng miền Nam “chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công”; làm thất bại chiến lược chiến tranh đơn phương của Mỹ - ngụy. Lực lượng chống Mỹ cứu nước tăng lên nhanh chóng, Ủy ban nhân dân tự quản được thành lập ở nhiều nơi. Trên cơ sở đó, ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Cách mạng miền Nam từ đây có bước phát triển mới về chất. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng, ta đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương của Mặt trận trong quần chúng Nha Trang - Vĩnh Xương với nhiều hình thức phong phú.
Cuối năm 1960, chính quyền tay sai độc tài Ngô Đình Diệm có nguy cơ bị thất bại, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), quyết tâm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.
Trước tình hình mới, theo chủ trương của Tỉnh ủy Khánh Hòa, huyện Vĩnh Trang lại tách ra và thành lập Ban cán sự thị xã Nha Trang và huyện Vĩnh Xương. Ta phát triển được một số cơ sở ở nội thị trong thanh niên, học sinh, tiểu thương và lao động nghèo, chủ yếu bám trụ và giữ lực lượng là chính. Ngay sau khi được thành lập, lực lượng vũ trang ở Vĩnh Xương đã thực hiện phương châm đánh nhỏ, đánh liên tục, đánh trúng vào các lực lượng kìm kẹp của địch, tạo điều kiện cho cán bộ về đào hầm bí mật và hoạt động tại nội thị.
Tháng 4/1961, Thị ủy Nha trang cho tăng cường hoạt động hướng Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Thái (Phước Hải), nơi có sân bay, cảng Cầu Đá, Hòn Tre, kho xăng dầu Phước Hải… là những vị trí hết sức quan trọng của địch. Thị ủy Nha Trang đã quyết định thành lập đội công tác mũi Đông Nam tại Bãi Trũ - Hòn Tre. Đội có một chi bộ do đồng chí Trần Văn Trà (Bảy Vinh), Thị ủy viên làm Bí thư và các đồng chí Hồ Văn Bên, Phan Hồng Qúy Chi ủy viên. Chi bộ đã lãnh đạo phong trào đấu tranh trên phạm vi liên phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Hải. Một tháng sau khi thành lập, đội công tác đã tập kích trụ sở xã Vĩnh Trường, diệt tên đại diện xã. Với thắng lợi này đã động viên được nhiều thanh niên lên căn cứ Đồng Bò gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng.
Trước các làn sóng đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, Mỹ - Diệm lâm vào thế khốn đốn. Ngày 01/11/1963, Mỹ làm cuộc đảo chính giết hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, đưa Dương Văn Minh rồi Nguyễn Khánh lên làm Tổng thống. Phong trào cách mạng ở các nơi trong huyện Vĩnh Xương và vùng ven Nha Trang nổi lên phá ấp chiến lược đẩy địch vào tình thế rối ren, bị động. Đồng bào tự dỡ bỏ từng mảng rào ấp chiến lược cũ, đến trận lụt tháng 10/1964, những hàng rào ấp chiến lược của địch đã bị sụp đổ hoàn toàn, không còn tác dụng kìm kẹp nhân dân.
Từ tháng 3 năm 1964, lần lượt các đồng chí trong Thị ủy Nha Trang và Huyện ủy Vĩnh Xương được cơ sở giúp đỡ đã vào được nội thị để lãnh đạo phong trào như đồng chí Lưu Văn Trọng, Bí thư Thị ủy; Ba Chính, Bảy Vinh là Thị ủy viên. Đầu năm 1965, các đồng chí Hoàng Sỹ Qùy, Hoài Phong đã bám hẳn trong nội thành Nha Trang để hoạt động. Nhờ tăng cường lực lượng nên trong nội thị Nha Trang đã có nhiều cơ sở của ta như Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Hải…Ở Phước Hải có cơ sở bà Lê Thị Năm ở đường Đồng Nai. Ở tại cơ sở cách mạng Lê Thị Năm, đồng chí Hoài Phong vừa làm bánh mì, lúc rỗi làm thầy giáo chuyên đi dạy kèm với tên gọi “Thầy giáo Ngọc”. Cơ sở Lê Thị Năm đã bố trí cho đồng chí Hoài Phong ăn ở, làm việc tại lò bánh mì để trốn lính. Từ ngày vào Nha Trang, Hoài Phong đã phải đóng các vai khác nhau: thợ hồ, phu khuân vác, thợ làm bánh mì, thầy giáo dạy kèm đã được bà Lê Thị Năm bảo vệ rất chu đáo.
Cuộc đồng khởi ở các vùng nông thôn trong tỉnh, nhất là ở hai huyện Ninh Hòa, Diên Khánh đã ảnh hưởng trực tiếp đến Nha Trang - Vĩnh Xương. Địch đã huy động tiểu khu Khánh Hòa cùng với lực lượng các trường sĩ quan Hải quân, Không quân và Hạ sĩ quan Đồng Đế liên tiếp đánh phá, càn quét các vùng giải phóng ở Nam Khánh Hòa. Địch còn có cả một hệ thống cảnh sát và điệp ngầm dày đặc, vì vậy cán bộ ở ngoài vào trong thị xã rất khó khăn. Có lần bị lộ, địch dùng 50 biệt kích bao vây một cơ sở, đồng chí Trần Lê Quảng là cán bộ của ta bị địch bao vây vẫn kiên quyết chống cự đến viên đạn cuối cùng và đã hi sinh anh dũng tại xóm Gò, Phước Hải.
Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quân số lúc cao nhất lên gần 1,5 triệu tên, trong đó quân Mỹ chiếm hơn nửa triệu. Từ năm 1965 địch lập ra “đảng Dân chủ” để tập hợp, lôi kéo các phần tử phản động nhất trong các tầng lớp nhân dân. Ở Nha Trang, chúng cho phục hồi trung tâm chiêu hồi Nha Trang, dựa vào một số tên phản bội đầu hàng để tuyên truyền nói xấu cách mạng, hòng lung lạc niềm tin của nhân dân.
Thị ủy Nha Trang đã chuyển căn cứ từ Đại Điền Đông về lại Đồng Bò. Nơi đây, lâu nay vẫn còn một bộ phận làm công tác ở vùng đông Nam thị xã. Địch o ép, càn quét liên miên, nên thiếu gạo ăn, lương thực không còn dự trữ. Con đường tiếp tế từ Hòn Tre đã bị gián đoạn vì địch phong tỏa gắt gao trên mặt biển. Quyết tâm của Thị ủy Nha Trang là bám vào dân gấp rút xây dựng bàn đạp và hình thành các đội công tác bám bàn đạp để xây dựng cơ sở bên trong. Thị ủy tăng cường cán bộ bất hợp pháp vào hẳn nội thị; xây dựng các đường liên lạc thông suốt từ nội thị về cơ quan Thị ủy; nhanh chóng lo việc dự trữ lương thực cho cơ quan và lực lượng vũ trang”([7]).
Tháng 5 năm 1966, Thị ủy Nha Trang đã họp tại căn cứ Đồng Bò đề ra chủ trương phát động phong trào chống Mỹ -Thiệu - Kỳ, đẩy mạnh phong trào nội thị Nha Trang về mọi mặt, nhất là đấu tranh vũ trang. Hội nghị đã cử đồng chí Lưu Văn Trọng, Bí thư Thị ủy và đồng chí Hoàng Sĩ Quỳ, Thường vụ Thị ủy vào nội thành trực tiếp lãnh đạo phong trào. Các đồng chí Hoài Phong, Phạm Thị Nhung cắm chốt trong nội thành làm nòng cốt cho phong trào. Song song với hoạt động vũ trang, Đảng bộ Nha Trang rất chú trọng lãnh đạo đấu tranh chính trị ở nội thị, đặc biệt là phong trào học sinh, sinh viên và phật giáo. Cuộc đấu tranh đã tập hợp được số đông tín đồ phật giáo mà nòng cốt là thanh niên phật tử do anh Đặng Oanh làm cơ sở của ta lãnh đạo. Quần chúng các thôn xã vùng ven Nha Trang như: Vĩnh Ngọc, Ngọc Hiệp, Phước Hải, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường cũng tham gia tích cực. Mục tiêu đấu tranh lúc đầu còn đơn giản là đưa yêu sách cho tỉnh trưởng Lý Bá Phẩm đòi thực hiện dân sinh dân chủ. Mục tiêu cao nhất bao vây chiếm Ty Thông tin ngụy và đài phát thanh với mục đích tuyên truyền và phát động quần chúng xuống đường trực tiếp đấu tranh. Cuộc biểu tình sôi nổi liên tiếp trong ba ngày đêm. Đến đêm thứ ba, tên Đoàn Văn Quảng tổng trấn Nha Trang ra lệnh rút bọn lính từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang để đàn áp cuộc biểu tình và chiếm lại Ty Thông tin. Ta và địch giằng co nhau suốt cả đêm. Địch dùng cả lựu đạn cay và lựu đạn lửa ném vào đoàn biểu tình. Thấy địch đàn áp dã man, ta đề nghị các bà mẹ gặp Thích Đức Minh, người đứng đầu phật giáo Khánh Hòa cho lực lượng xuống yểm trợ nhưng ông ta không chịu.
Cuộc biểu tình chiếm Ty Thông tin nổ ra sôi nổi, mạnh mẽ nhưng do thiếu lãnh đạo chặt chẽ, kinh nghiệm đấu tranh chính trị chưa nhiều, lực lượng chưa cân sức nên chưa giành được thắng lợi. Tuy vậy, đã biểu hiện được tinh thần yêu nước, căm thù giặc cao độ của mọi tầng lớp nhân dân Nha Trang, trong đó có nhân dân và phật tử Phước Hải đấu tranh chống Mỹ - ngụy.
Tại “Mật khu Đồng Bò”, đời sống của cán bộ, bộ đội vô cùng khó khăn gian khổ, không những phải chịu đựng khí hậu núi rừng khắc nghiệt, chống lại những cuộc càn quét với mọi lực lượng của địch mà còn phải lo lương thực, thực phẩm, thuốc men để sống và tiếp tục chiến đấu. Nhiều đợt đi lấy lương thực, thực phẩm ở vùng Phước Hải, Vĩnh Trường của cán bộ Thị ủy Nha Trang, Huyện ủy Vĩnh xương trở thành những cuộc chiến đấu ác liệt, nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh. Từ năm 1967, địch chủ trương trải lực lượng ra vòng ngoài để củng cố hệ thống phòng thủ các căn cứ quân sự bên trong nội thị thêm vững chắc. Chốt điểm Gò Bông là một cao điểm nằm sát bờ sông Đồng Bò, nơi giáp giới giữa Đồng Bò Thượng và Đồng Bò Trung. Chúng lợi dụng cao điểm này để xây dựng, cấu trúc hệ thống công sự phòng ngự bằng gò đất. Án ngự trên chốt điểm này là trung đội tăng cường của đại đội 3 biệt kích đang đóng đồn ở Bình Tân – Vĩnh Trường. Nhiệm vụ của chốt điểm này là án ngự mặt Tây sân bay Nha Trang, phát hiện, ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt lần lượt lực lượng ta đột nhập hoạt động từ phía Tây thị xã, chủ yếu phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các trận pháo kích, tập kích của quân ta vào sân bay, đài phát thanh và hệ thống phòng thủ trong Nha Trang. Chốt điểm Gò Bông là một trong hệ thống chốt điểm vòng ngoài của Nha Trang như Bình Tân, Gò Bông, Thủy Tú. Vì vậy nó được trực tiếp chi viện bằng hỏa lực pháo của cụm pháo binh 105 và 155mm ở sân bay Nha Trang khi bị tấn công. Ngoài ra còn được chi viện các loại máy bay theo yêu cầu can thiệp khi chiến đấu.
Thực hiện Chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 14 “Mặt cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”, Nha Trang - Khánh Hòa đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Ngày 07/01/1968, Thường vụ Thị ủy Nha Trang họp mở rộng, các đồng chí Thị ủy viên trong nội thành về dự khá đông đủ. Cuộc họp mang tính chất khẩn trương có tầm quan trọng đặc biệt, nội dung chủ yếu bàn về kế hoạch, biện pháp triển khai nhiệm vụ, tất cả tập trung cho chiến dịch T25. Với lòng tin tưởng vào thắng lợi, đến ngày 30/01/1968 (tức 29 tết Mậu Thân), Ban Chỉ huy mặt trận Nha Trang đã tổ chức lễ xuất quân tại gộp Ông Phật ở căn cứ Đồng Bò. Các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã động viên cán bộ chiến sĩ trước lúc hành quân đánh địch với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 30 tháng 01, toàn bộ lực lượng đã hành quân đến khu vực Mã Bay Dây (Vĩnh Thái), tiếp tục hành quân qua khu vực Xóm Chòi và Vĩnh Xuân, qua Cầu Đúc và thôn Vĩnh Điềm Hạ (Vĩnh Hiệp). Khoảng 01 giờ 30 tết (31/1/1968), các đơn vị đã đến xóm Chợ Mới (Vĩnh Hội), sau đó chia lưc lượng ra làm hai hướng để tiến đánh các mục tiêu đã định trong nội thành Nha Trang. Đối với địa bàn Phước Hải, là hướng chủ yếu thứ 2 (cánh C), khi đi đến cánh đồng Thủy Tú (Vĩnh Thái) cũng là lúc ta pháo kích sân bay Nha Trang nên địch phản pháo, thả pháo sáng, việc tiếp cận mục tiêu của các đơn vị của ta bị chậm sau giờ G. Ở hướng này, địch đã triển khai lực lượng đối phó với ta. Khi ta vừa đến đã chạm trán ngay với địch và đánh nhau quyết liệt ở đường tỉnh lộ 4 (đường Lê Hồng Phong – Mã Vòng). Cuối cùng ta đã chiếm được bốt Ông Đề, và bốt Cô Châu, tiếp tục đánh chiếm đại đội 7 truyền tin. Trước tình hình chiến sự diễn ra ác liệt trên toàn thị xã, nhiều tên trong ngụy quân, ngụy quyền rất hoang mang. Từng tốp cố vấn Mỹ, bọn ngụy quân, ngụy quyền lui về chợ Xóm Mới, sân bay Nha Trang trốn tránh. Những tên công an, cảnh sát bỏ quân phục tay xách, nách mang cùng vợ con tìm nơi ẩn trú, mặc cho những lời đe dọa của tên tổng trấn Đoàn Văn Quảng được phát đi trên đài phát thanh.
Trước sức tấn công của ta, địch lồng lộn như con thú dữ bị trọng thương. Bộ chỉ huy Việt -Mỹ -Hàn đã phải ra lệnh dùng các loại máy bay hủy diệt các mục tiêu bị quân ta chiếm giữ. Những quả đạn rốc két, bom phá, bom napan từ trên máy bay trút xuống, từ tàu thủy bắn vào san bằng tiểu khu sở tiếp vận 5, làm sập một góc nhà tỉnh đường. Bom đạn địch còn rơi xuống các khu phố đông dân cư làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại một phần xóm Cồn (Xương Huân), thiêu hủy hàng trăm nóc nhà ở khu máy nước, xóm Cô Châu (Phước Tân)…trong thành phố những đám cháy bốc lên dữ dội, khói lửa bao trùm, tiếng bom nổ liên hồi không dứt.
Tuy nhiên đến ngày mồng 4, 5 và 6 tết, tiếng súng nổ diệt địch của ta vẫn nổ nhưng đã thưa dần, địch tổ chức lại lực lượng và phản công lại quân ta. Chúng thiết quân luật nghiêm ngặt, huy động công an, cảnh sát, biệt kích, bảo an lùng sục, bố ráp liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhà lao Nha Trang chật ních cán bộ, chiến sĩ, các cơ sở cách mạng và đồng bào yêu nước bị bắt. Những cảnh tra tấn, cướp bóc, tống tiền, hãm hiếp phụ nữ trắng trợn diễn ra khắp nơi. Địch tung những luận điệu xuyên tạc, những đòn chiến tranh tâm lý chống cộng, cảnh tượng ngột ngạt, căng thẳng bao trùm toàn thị xã. Nhiều cán bộ trong Tỉnh ủy, Thị ủy bị địch bắt, bị tra tấn dã man, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ, đây là một tổn thất nặng nề cho phong trào cách mạng ở Nha Trang – Khánh Hòa sau tết Mậu Thân.
Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ tiếp tục ngoan cố, chuyển sang “Việt Nam hóa chiến tranh” và “dùng người Việt đánh người Việt”. Ở thị xã Nha Trang lúc này có 14 đảng phái, có trụ sở và hệ thống nhân viên hoạt động ráo riết. Nhất là đảng Dân chủ của Thiệu, đảng Công đoàn của Trần Quốc Bửu, Mặt trận cứu nguy dân tộc của Tôn Thất Đính, Việt Nam phục quốc, Việt Nam quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh. Bên cạnh đó, chúng bày ra trò hề “tranh cử”, “bầu cử” diễn ra thường xuyên ở các cấp từ xã, tới Trung ương, nhằm hợp pháp hóa và củng cố bộ máy kìm kẹp ở các xã, ấp; xây dụng thêm các công trình kinh tế, giao thông, cầu cống, trường học…nhằm mị dân và phục vụ chiến tranh.
Tháng 3 năm 1970, Đại hội Đảng bộ Vĩnh Trang lần II được tiến hành (ngày 08/8/1968, tại gộp Leo Dây - Đồng Bò đã hợp nhất hai Đảng bộ Nha Trang và Vĩnh Xương thành Vĩnh Trang) ra Nghị quyết nhấn mạnh: muốn chống phá “bình định” của địch phải tập trung phá thế kìm kẹp của chúng ở từng xã, từng ấp, phải đưa cán bộ, chiến sĩ xuống tận cơ sở bám dân để chỉ đạo phong trào. Đại hội xác định đối tượng tác chiến của diệt kẹp là bọn ác ôn đầu sỏ trong lực lượng kìm kẹp tại chỗ như bọn tề xã, chỉ huy nghĩa quân, dân vệ, các đoàn bình định, cảnh sát, điệp ngầm, thám báo, chiêu hồi…ở vùng ven Nha Trang. Để thực hiện nhiệm vụ này không có cách nào thuận lợi hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn là có lực lượng nòng cốt bám chặt trong dân bằng mọi hình thức, trong đó có hình thức thiết lập một hệ thống công sự mật. Đầu năm 1970, đồng chí Nguyễn Thị Đo (tức Mười Đo), Thị ủy viên được Đảng bộ Vĩnh Trang phân công về khu Nam móc nối lại các cơ sở cách mạng. Những cơ sở như: ở Bình Tân có Huỳnh Thị Lòng, Đỗ Xuân Viên, Huỳnh Thị Múc, bác Công, Huỳnh Thị Biên, Nguyễn Thị Ngâm (má Trợ); Ở Trường Đông có Phạm Thị Chiều, Nguyễn Thị Rành, Trần Thị Thảo, ông Giáo Sáu; ở Phước Hải có Lê Thị Tho…. Về sau, ngày càng có thêm nhiều cơ sở cách mạng khác được móc nối lại hoặc mở rộng thêm như nhóm của đồng chí Đặng Thảo, Lê Bốn, Trần Văn Châu ở khu chợ Xóm Mới, Phước Hải . Đội du kích địa phương, các Hội Phụ nữ, Thanh niên được tổ chức lại và có 14 thanh niên hăng hái lên chiến khu để bổ sung cho lực lượng vũ trang thị đội Vĩnh Trang.
Tháng 6 năm 1972, Đại hội Đảng bộ Vĩnh Trang lần thứ III họp tại Suối Lùng - Đồng Bò đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng cán bộ hợp pháp, với phương thức “ngày ở núi, tối về làng” hoặc sống trong các công sự mật. Đại hội đề ra nhiệm vụ tiếp tục phát triển và chắp nối các cơ sở, tăng cường đấu tranh binh vận, ra sức xây dựng lực lượng cả về vũ trang, chính trị và binh vận; củng cố và tăng cường thực lực ở nội thị.
Sau khi Mỹ ký Hiệp định Paris (27/01/1973) rút quân về nước, nhưng trong cơn dãy chết, địch vẫn điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam. Được sự viện trợ của Mỹ, ngụy quyền miền Nam mở chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ" và thực hiện “bình định và lấn chiếm” đánh chiếm miền núi, thả biệt kích khắp nơi trên mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa. Tuy Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã có hiệu lực, nhưng nhân dân Vĩnh Trang chưa được hưởng một ngày hòa bình trọn vẹn. Cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn không kém phần ác liệt.
Sau Hiệp định Paris, phong trào cách mạng ở Vĩnh Trang gặp nhiều khó khăn. Những nơi có phong trào mạnh như Vĩnh Trung, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trường… thì địch tập trung đánh phá chủ yếu là dùng lực lượng tại chỗ (tề, thám báo, nghĩa quân, dân vệ kết hợp hành quân cảnh sát) hòng diệt cho được lực lượng bất hợp pháp của ta, tích cực khui tìm để triệt phá cơ sở hợp pháp bên trong thị xã. Bọn cảnh sát cho bắt bớ tràn lan, lập hồ sơ phân hóa quần chúng. Phát thẻ kiểm tra trong dân được phân loại 5 màu. Các ban tề xã được kiện toàn để xiết chặt thế kìm kẹp. Nhiều tên sĩ quan, nhân viên ngụy quyền giả danh về hưu, giải ngũ để đi sâu vào trong dân làm hậu thuẫn phá ta và củng cố bộ máy liên gia đại biểu. Tất cả thủ đoạn hành động trên của địch là rất nguy hiểm gây cho ta nhiều khó khăn trong việc duy trì phát triển cơ sở bên trong.
Về phía ta, phấn khởi trước những thắng lợi, quần chúng cả 3 vùng bung ra làm ăn đi lại bình thường, đời sống tưởng chừng dễ chịu hơn nhưng sau khi địch phá Hiệp định, quần chúng thiếu tin, lo ngại chiến tranh tiếp tục, đời sống khó khăn ngột ngạt nên căm ghét địch ra mặt. Đây là thuận lợi để ta vận động nhân dân đấu tranh xây dựng phong trào. Trong nội bộ ta, trước tình hình trên đã phát sinh tư tưởng hữu khuynh, ảo tưởng hòa bình chủ nghĩa. Một số đồng chí tỏ ra mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, tinh thần chiến đấu giảm sút, mất cảnh giác, lơi tay súng. Các đồng chí đó cho rằng, sau 18 năm chiến đấu hi sinh gian khổ đến khi có hòa bình mà Nha Trang – Vĩnh Xương chưa có vùng giải phóng, vẫn ở núi nằm hầm. Hòa bình rồi mà súng vẫn nổ, chiến tranh liệu có tái diễn, chủ trương của Đảng ra sao? Hậu quả của sự chuệch choặc đó đã làm cho ta phải trả giá. Các phong trào ở vùng ven phải co lại, số lượng công sự mật ít đi, vì vậy lực lượng bất hợp pháp bám dân cũng giảm. Phong trào ở các tuyến tuy không bị vỡ nhưng do chưa có chỉ thị mới của Huyện – Thị ủy nên phương thức đấu tranh chưa cụ thể sát đúng với tình hình. Trên cơ sở phân tích tình hình, Đại hội đại biểu Đảng bộ Vĩnh Trang lần thứ IV tại Suối Lùng – Đồng Bò (tháng 12/1974) đã phân tích thuận lợi, khó khăn trong giai đoạn cách mạng mới, kiên định quan điểm bạo lực cách mạng, chống ảo tưởng hòa bình ra sức xây dựng lực lượng ta phát triển cả về vũ trang chính trị, binh vận, giữ vững tinh thần tiến công địch.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ta mở thêm tuyến đường dây phía Tây Nam thị xã, tức vùng V (Vĩnh Thái, Phước Hải, Vĩnh Trường). Do khu vực hành lang, địch chủ quan cho rằng lực lượng ta không đáng kể, địch tập trung cho các nơi khác nên chúng không khóa chặt các cửa như trước. Các đội công tác của ta có điều kiện “ngày ở núi, tối về làng” thường xuyên hơn.
Trên địa bàn vùng V, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cũng giống nhiều nơi khác ở Khánh Hòa, Nguyễn Văn Thiệu ra mặt phản Hiệp định, cho quân lùng bắt cán bộ, bố ráp cơ sở, chủ trương bắt lính, bắt nhân dân sơn, vẽ “cờ ba vạch” lên mái nhà để lấn đất, giành dân. Nhân dân dựa vào pháp lý của Hiệp định đấu tranh với địch chống bắt lính, đòi chồng con trở về, được làm ruộng, được đánh bắt cá, đòi tự do đi lại thăm viếng bà con, đòi hạ giá sinh hoạt, phản đối việc trình diện liên miên… kết quả là quần chúng bung ra làm ăn rộng rãi hơn trước. Việc đi lại dễ dàng hơn, ta có điều kiện tiếp xúc với quần chúng, nhiều gia đình cơ sở giữ được phong trào, đảm bảo được đường tiếp tế chiến khu, cung cấp tình hình quân địch ở nội thành, sân bay, kho xăng cho cách mạng.
Về phía địch, trong năm 1974 dù bị nhiều trận đánh đau ở địa bàn căn cứ bàn đạp cũng như ở nội thành và các cứ điểm quân sự, nhưng địch vẫn còn hung hăng cấm biển, cấm dân qua Hòn Rớ lên núi. Đội công tác đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh “bất chấp lệnh”, cứ đi củi, cứ đi biển, cuối cùng địch phải đấu dịu với ta. Trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền có tư tưởng chán ghét chiến tranh, muốn về làm ăn với vợ con, gia đình, nhiều tên đã đào bỏ ngũ, trốn lính hoặc tìm cách mạng để đầu thú. Ta cũng chú trọng đưa lực lượng vào hàng ngũ của địch để dần vô hiệu hóa bộ máy ngụy quyền, làm cơ sở nội tuyến và cung cấp tình hình địch. Từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đề ta kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “nếu thời cơ đến đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức huy động sức mạnh cả nước giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Ở Nha Trang lúc này, ta vẫn chuẩn bị lực lượng đánh vào thị xã. Tiểu đoàn đặc công 407 của Tỉnh đội Khánh Hòa đang đóng ở Đồng Bò. Để chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm thị xã, tỉnh đã tăng cường thêm cán bộ quân sự cho tiểu đoàn 407, cử đồng chí Trần Văn Liên làm Chính trị viên tiểu đoàn, đồng chí Nguyễn Diệp, Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Thành, Tiểu đoàn phó và cử thêm 15 đồng chí cán bộ chính trị khác, trong đó có đồng chí Đặng Đức Long, Nguyễn Khánh Toàn… nhằm lãnh đạo hoạt động ngay trong lòng thị xã, các cơ quan đầu não địch, đánh địch khắp nơi để hỗ trợ cho các chiến trường Bình Định, Tây Nguyên đang được quân ta triển khai.
Khi bộ đội chủ lực Sư đoàn 10 của ta đánh Buôn Ma Thuột xong, tiến quân theo đường 21 xuống tiêu diệt Lữ đoàn 3 lính dù và tiểu đoàn biệt động quân của địch tại đèo Phượng Hoàng, đánh xuống căn cứ Dục Mỹ, theo Quốc lộ I A tiến vào thị xã Nha Trang lúc 03 giờ chiều ngày 02/4/1975. Một cánh quân khác của tỉnh đội phối hợp với lực lượng của huyện đội Vĩnh Trang từ Đồng Bò đánh xuống phía Tây Nam thị xã chiếm sân bay, khu Bình Tân, cảng Cầu Đá, cùng nhân dân nổi dậy giải phóng vùng V. Trước đó, đến 9 giờ sáng ngày 01 tháng 4 thì bọn quan chức ngụy quân, ngụy quyền đã cuốn gói hết. Nha trang chỉ còn lại bọn tàn quân từ nơi khác dồn về, mặc sức đốt phá, cướp bóc tài sản của nhân dân. Một thành phố không có chính quyền đang hỗn loạn thật sự. Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo trong Ban cán sự đã xin Huyện ủy cho phép các tổ tự vệ nổ súng trấn áp bọn cướp phá, phát động nhân dân nổi dậy, tiếp đón bộ đội vào tiếp quản thị xã.
Trước tình hình hết sức khẩn trương, đồng chí Mười Đo xuống phía Tây Nam bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Thành Long đội trưởng công tác ở đây, cùng đồng chí Toàn, đồng chí Dư. Sau khi bàn bạc thống nhất, đồng chí Nguyễn Thành Long đã đưa toàn bộ đội công tác vùng I và các đồng chí đặc công đưa quân xuống cùng nhân dân Vĩnh Trường nổi dậy giải phóng khu vực này và cả vùng Vĩnh Nguyên. Một bộ phận quân giải phóng do đồng chí Nguyễn Thành Long và Đặng Đức Long lãnh đạo còn đưa một lực lượng vào chiếm giữ và bảo vệ Hải học viện, kho xăng và sân bay. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn chỉ huy lập lại trật tự ở sân bay. Đến 16 giờ, ngày 01/4/1975 toàn bộ khu Tây Nam thị xã được giải phóng.
Ngày 02/4/1975, Sư đoàn 10 của quân giải phóng tiến vào Nha Trang, thị xã được hoàn toàn được giải phóng. Đêm 02/4, toàn thị xã không có điện thắp sáng, trời mưa to như trút nước, rửa sạch bao rác rưởi của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Nhân dân Nha Trang được hưởng trọn niềm vui độc lập “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để cùng cả dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hòa bình, xây dựng lại quê hương.
Trải qua 21 năm, đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam với 04 chiến lược chiến tranh, 05 đời tổng thống. Dân tộc Việt Nam đã bằng tất cả tinh thần và lực lượng, bằng sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam đã đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, đất nước sạch bóng quân xâm lược. Trong khó khăn, thử thách khắc nghiệt của lịch sử, biết bao người con của làng Phước Hải Hạ, xã Xuân Hải, làng Phước Hải (xã Vĩnh Thái), khóm Phước Thái (phường Phước Hải) đã hi sinh, đổ máu tô thắm thêm ngọn cờ độc lập. Quê hương Phước Hải, Nha Trang được giải phóng, nhân dân được hưởng hòa bình vĩnh viễn để đồng hành cùng cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
IV. NHÂN DÂN KHÓM PHƯỚC THÁI (PHƯỜNG PHƯỚC HẢI) ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ NHA TRANG XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1976 – 1998).
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Nhân dân khóm Phước Thái (phường Phước Hải) cùng với nhân dân Nha Trang bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Sau khi tiếp quản Nha Trang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thành lập Ủy ban Quân quản Nha Trang (có trụ sở đóng tại Ủy ban nhân dân tỉnh ngày nay). Ngày 06/4/1975, Nha Trang – Vĩnh Xương được tách ra thành 3 đơn vị hành chính: huyện Vĩnh Xương, quận I và quận II. Quận I (trụ sở đóng tại 14 Lê Thánh Tôn), gồm có Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Tân Phước, Vĩnh Trường, Phương Sài, Phước Hải. Sau 3 tháng hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, ngày 20/7/1975, Ủy ban Quân quản Nha Trang được giải thể. Tháng 11/1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời thị xã Nha Trang được thành lập do đồng chí Mai Xuân Cống làm Chủ tịch, các đồng chí Hoàng Sỹ Qùy, Nguyễn Văn Minh làm Phó Chủ tịch. Ngày 15/11/1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng quận I, quận II được giải thể. Tháng 01/1976, 11 phường của thị xã Nha Trang được chia tách thành 17 phường, trong đó có phường Phước Hải.
Chi bộ phường Phước Hải được thành lập tháng 01 năm 1976, đồng chí Trần Công Năm (Năm bụng) là cán bộ tham gia kháng chiến tại địa phương được cử làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Minh (Minh Đen), Phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch Ủy ban Quân quản. Tổng số đảng viên có 09 đồng chí. Trong hoàn cảnh địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chi bộ đã thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo quản lý mọi mặt đời sống xã hội của địa phương sau ngày mới được giải phóng. Ngày 25/02/1976, đồng hành cùng với thị xã, nhân dân Phước Hải với 95% cử tri nô nức tham gia đi bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp. Cử tri Phước Hải đã bầu được 17 vị đại biểu Hội đồng nhân dân phường khóa I. Tại kỳ họp thứ I, bà Nguyễn Thị Hồ Hương được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Sơn Minh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
Ngày 25/4/1976, 98% cử tri Phước Hải đi bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Cùng với việc củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng cũng được kiện toàn đi vào hoạt động khá sôi nổi. Ở Phước Hải, các tổ chức đã vận động quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách mới của chính quyền cách mạng. Một trong những nhiệm vụ trước mắt, trọng tâm, nặng nề đối với chính quyền cách mạng là phải tiến hành cải tạo ngụy quân, ngụy quyền; phát động quần chúng trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân. Trên địa bàn thị xã Nha Trang, số ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ khá lớn, đã co lại tập trung ở một số nơi như Ngã Sáu, khu vực nhà Thờ Đá, đường Lữ Gia. Chúng đã tung tin thất thiệt, hù dọa quần chúng, phá hỏng Trạm biến thế điện, cắt dây điện thoại, đốt tài liệu… Trước thái độ vừa kiên quyết, vừa khoan hồng của chế độ ta, một bộ phận lớn sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quân, ngụy quyền đã ra đăng ký trình diện và học tập. Được sự quan tâm của Thị ủy, Phước Hải đã được tăng cường cán bộ của tỉnh, thị xã về giúp đỡ tổ chức tuyên truyền, học tập trong từng giới chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về hòa hợp, hòa giải dân tộc; chính sách dân tộc, tôn giáo; chính sách giải quyết nạn đói, chữa bệnh, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, điều hành của chính quyền cách mạng, nhân dân Phước Hải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển sản xuất nhằm giải quyết cái ăn, cái ở, đi lại, học hành cho nhân dân. Chủ trương đúng và cần thiết lúc đó là vừa động viên một số bà con trở về quê cũ làm ăn, một bộ phận khác đi vùng kinh tế mới ở Đất sét, Đồng Trăn (Diên Khánh), Đồng Bò (Nha Trang). Số dân cư ở lại, tùy theo khả năng, điều kiện khôi phục sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngành nghề từng bước thành lập tổ đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất là hình thức làm ăn tập thể cấp thấp, tiến dần lên tổ hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện như Tổ Hợp tác mây, tre, lá; vận tải thô sơ, sửa chữa nhỏ… Trên lĩnh vực nông nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hải đã coi trọng cả thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích, khai hoang phục hóa, tận dụng gò, bờ, đất nhiễm mặn để nuôi, trồng, sản xuất cây, con phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng.
Văn hóa – xã hội, kết hợp xây dựng đời sống văn hóa mới, cách mạng với đấu tranh bài trừ văn hóa độc hại, đồi trụy của phương tây; tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan từng bước loại trừ, lên án. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, con em Phước Hải có cơ hội học tập và được chăm sóc. Tuyến y tế cơ sở phường đã được Nhà nước đầu tư xây dựng Trạm Y tế, có lực lượng y, bác sĩ tăng cường đảm bảo việc chăm lo sức khỏe nhân dân. Phong trào thể dục, thể thao, toàn dân tham gia rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh được phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân.
Năm 1977, chi bộ Phước Hải tổ chức Đại hội lần thứ I, đồng chí Phan Văn Mão, được bầu làm Bí thư chi bộ; đồng chí Nguyễn Thị Hồ Hương, Phó Bí thư, giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
Ngày 21/02/1979, Đại hội chi bộ lần thứ II được tổ chức. Đại hội bầu cấp ủy gồm 5 đồng chí. Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang có Quyết định số 70-QĐ/TV, ngày 02/3/1979 chuẩn y đồng chí Võ Văn Giao, giữ chức vụ Bí thư; đồng chí Nguyễn Ngọc Thái, Phó Bí thư chi bộ; các đồng chí Huỳnh Cầu, Nguyễn Ngọc Tỷ, Hồ Văn Minh là Chi ủy viên.
Ngày 25/7/1979, Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang có Quyết định số 55-QĐ/TU “Về việc điều động cán bộ”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thái, Thành ủy viên, Phó Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hải, trực tiếp làm Bí thư chi bộ phường Phước Hải thay cho đồng chí Võ Văn Giao đi học kể từ ngày 27/7/1979.
Ngày 28/8/1979, Ban Thường vụ Thành ủy có Quyết nghị số 106-QN/TU, chuẩn y đồng chí Hồ Thủ, Ngô Minh vào chi ủy viên chi bộ phường Phước Hải.
Ngày 10/5/1980, Ban Thường vụ Thành ủy có Quyết định số 272-QĐ/TU, điều động đồng chí Huỳnh Cầu về nhận công tác tại cơ quan Thành ủy; đồng chí Ngô Minh (cán bộ hưu trí) thay làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, được thời gian từ 3 – 4 tháng, đồng chí xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Tiếp đó là đồng chí Nguyễn Văn Nuôi, một cán bộ thị xã được tăng cường về giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường. Các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội tiếp tục được sắp xếp, bổ sung cả về số lượng, nâng dần về chất lượng góp phần đưa địa phương phát triển.
Ngày 05/11/1982, Đại hội chi bộ Phước Hải lần thứ III được tổ chức. Sau khi đánh giá một cách toàn diện về nhiệm vụ lãnh đạo địa phương, nét nổi bật là đã tạo ra được bộ mặt mới về kinh tế - xã hội, giải quyết được nhiều công ăn, việc làm, đời sống của người lao động bớt khó khăn. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, các tệ nan xã hội từng bước được đấu tranh ngăn chặn; hệ thống chính trị từng bước được củng cố.
Đại hội đã bầu cấp ủy mới gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thái, Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Nuôi, Phó Bí thư chi bộ. Các đồng chí Thái Quang Miễn, Nguyễn Ngọc Anh, Huỳnh Việt Hùng, Phạm Thị Loan, Phan Văn Nhật là Chi ủy viên.
Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (31/3/1982) cả nước, các địa phương đã thay đổi cách thức làm ăn, cơ chế quản lý. Trên địa bàn Phước Hải, thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Tuy diện tích đất nông nghiệp không nhiều, dân cư nông nghiệp Phước Hải chiếm khoảng 50% nhưng đời sống, thu nhập được cải thiện tăng lên đáng kể.
Ngày 03/4/1984, Đại hội chi bộ phường Phước Hải lần thứ IV được tổ chức. Đại hội đã đánh giá sau hai năm thực hiện Nghị quyết đại hội chi bộ lần thứ III, tình hình sản xuất đã được “bung ra”, các mặt hàng gia công xuất khẩu; các dịch vụ như cửa hàng ăn uống, giải khát, cắt tóc, vận tải thô sơ, gia công cơ khí, sửa chữa nhỏ, địa điểm vui chơi giải trí… bắt đầu hình thành. Sự nghiệp giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; các đối tượng chính sách, người có công, công tác hậu phương quân đội được quan tâm, đảm bảo. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới gồm 7 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Năm, Bí thư; Phan Văn Nhật, Phó Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Anh, Huỳnh Việt Hùng, Lê Văn Phò, Thái Quang Miễn, Trương Thị Sen là Chi ủy viên.
Ngày 23/7/1984, Thành ủy Nha Trang ban hành Quyết định số 20-QĐ/TU “Về việc chuyển chi bộ Phước Hải lên thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy”. Đảng bộ phường Phước Hải gồm có 7 chi bộ trực thuộc gồm: Chi bộ khóm Phước Lộc có 04 đảng viên chính thức. Chi bộ khóm Phước Toàn Tây có 07 đảng viên. Chi bộ khóm Phước Toàn Đông có 11 đảng viên. Chi bộ khóm Phước An Bắc có 08 đảng viên. Chi bộ Phước An Nam có 12 đảng viên. Chi bộ khóm Phước Thái có 07 đảng viên. Chi bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân phường có 05 đảng viên.
Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 07 đồng chí: Đồng chí Huỳnh Năm, được chỉ định làm Bí thư; đồng chí Phan Văn Nhật, Phó Bí thư; các đồng chí Nguyễn Ngọc Anh, Huỳnh Việt Hùng, Thái Quang Miễn, Lê Văn Phò, Trương Thị Sen là Đảng ủy viên.
Ngày 04/12/1985, Đảng bộ phường Phước Hải tổ chức Đại hội lần thứ V để kiểm điểm nhiệm kỳ qua, thảo luận và quyết định phương hướng nhiệm kỳ tới; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức. Phước Hải cùng chung tình hình như các địa phương khác trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa V) của Trung ương và Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Phú Khánh về giá – lương – tiền gắn với cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh. Từ chi bộ Phước Hải được lên thành Đảng bộ cơ sở, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trong đó coi trọng việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, giác ngộ về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt; Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng từ phường đến khóm dân cư phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị, quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, thiết thực của nhân dân như đời sống việc làm, xóa mù chữ, phổ cập cấp I cho con em các hộ bỏ khu kinh tế mới về không có hộ khẩu, không được đi học.
Tại Nghị quyết số 76-NQ/TU, ngày 16/12/1985, Ban Thường vụ Thành ủy ký chuẩn y Ban Chấp hành Đảng bộ phường Phước Hải lần thứ V. Đồng chí Huỳnh Năm, giữ chức Bí thư. Đồng chí Phan Văn Nhật và đồng chí Nguyễn Thanh Kiểm, Phó Bí thư Đảng bộ. Các đồng chí Huỳnh Việt Hùng, Thái Quang Miễn, Đỗ Như Khương, Lê Văn Phò, Nguyễn Đình Khi, Trương Thị Sen là Đảng ủy viên.
Sau Đại hội, đồng chí Phan Văn Nhật, Phó Bí thư được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy thay đồng chí Huỳnh Năm được điều động lên Thành ủy.
Về chính quyền, đồng chí Nguyễn Kỳ Nhung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Thọ được cấp trên điều động và giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phước Hải sau khi Đại hội Đảng bộ phường đã kết thúc nên không bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã quyết định đường lối đổi mới. Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Nha Trang lần thứ IX (10/1986) thể hiện quyết tâm xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cùng việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, Đảng bộ phường Phước Hải tập trung lãnh đạo thực hiện ba chương trình mục tiêu về lương thực – thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu. Trên cơ sở đặc điểm của địa phương, Phước Hải chú trọng vị trí của nông nghiệp. Trong chương trình sản xuất lương thực – thực phẩm, thành phố đã chọn và tiến hành xây dựng vùng rau tập trung ở Phước Hải, gồm 30 ha ở phía Bắc và 70 ha ở phía Nam phường. Đồng thời chỉ đạo Hợp tác xã cho nông dân trồng xen canh cây họ đậu trên một số diện tích nhằm tăng sản lượng, cải tạo chất đất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Về lưu thông phân phối, thực hiện Chỉ thị 80/CT/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, Nha Trang thực hiện xóa bỏ các trạm kiểm soát trên trục Quốc lộ I A (Vĩnh Lương – Ninh Hòa), đường 23/10 (Vĩnh Trung – Diên Khánh) lưu thông được thông thoáng, nhân dân phấn khởi tự do đi lại buôn bán, trao đổi hàng hóa mở ra hướng phát triển mới, thị trường hàng hóa, giá cả bớt căng thẳng.
Ngày 25/11/1988, Đảng bộ phường Phước Hải tiến hành Đại hội lần thứ VI trong bối cảnh: tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong các năm 1987 – 1988, lương thực thiếu, nạn đói xẩy ra ở nhiều nơi, lạm phát tăng cao 700%, đời sống nhân dân và người lao động hết sức khó khăn. Các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội gia tăng. Sau sự kiện Đông Âu, Liên Xô khủng hoảng, xuất hiện tư tưởng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trung Quốc thực hiện cuộc “hải chiến” xâm lược đánh chiếm đảo đá Gạc Ma, Cô Lin trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam. Mỹ cấm vận kinh tế, quan hệ kinh tế Việt Nam với Liên Xô, các nước Đông Âu bị thu hẹp.
Đại hội đã đi sâu phân tích tình hình công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Bên cạnh tuyệt đại đa số đảng viên quán triệt, nhận thức sâu sắc, đồng tình ủng hộ đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, còn có bộ phận đảng viên mơ hồ, giao động mục tiêu đổi mới, lo lắng trước những tiêu cực xã hội nảy sinh; nhân dân thiếu tin tưởng vào chủ trương chính sách, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trong nhiệm kỳ tới, nghị quyết Đại hội đề ra trọng tâm là xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng hoài nghi, dao động mất phương hướng về mục tiêu, con đường đổi mới. Tập trung củng cố lực lượng sản xuất hiện có, phát triển kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình theo 3 chương trình kinh tế. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tấn Kỳ, được bầu giữ chức vụ Bí thư; đồng chí Ngô Huỳnh, Phó Bí thư; đồng chí Nguyễn Kỳ Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường. Các đồng chí Phạm Hữu Lan, Đào Ngọc Toản, Nguyễn Thị Phương, Đinh Văn Ban, Trương Thị Sen, Cù Văn Khánh là Đảng ủy viên.
Thực hiện Chỉ thị 59-CT/TW, ngày 27/5/1990 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Ngày 14/10/1991, Đại hội Đảng bộ phường Phước Hải lần thứ VII (vòng II) được tổ chức thành công. Đại hội đã đánh giá sâu sắc về tình hình lãnh đạo kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Đại hội xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới: khuyến khích nhân dân mạnh dạn bỏ vốn tham gia phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ cá thể; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa hộ đói. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tiếp thu cái mới, chống bảo thủ, lạc hậu, trì trệ không muốn đổi mới, phủ định lịch sử, truyền thống và mọi tiêu cực khác.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm 9 đồng chí. Ngày 22/ 10/1991, Ban Thường vụ Thành ủy có Quyết định số 60-QĐ/TV chuẩn y đồng chí Phạm Hữu Lan, Bí thư; đồng chí Ngô Huỳnh, Phó Bí thư; đồng chí Cù Văn Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Thái, Vũ Khắc Toan, Trần Văn Thành, Đỗ Minh Lệ, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thọ là Đảng ủy viên.
Ngày 20/01/1996, Đảng bộ phường Phước Hải tổ chức Đại hôi lần thứ XI, đây là Đại hội nhiệm kỳ 5 năm. Sau khi kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp nhiệm kỳ tới, Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1996 – 2000 gồm 11 đồng chí. Ngày 26/01/1996, Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang có Quyết định số 94-NQ/TV chuẩn y đồng chí Trần Minh Long, Bí thư Đảng ủy; đồng chí Đậu Quốc Hương, Phó Bí thư; đồng chí Đoàn Xuân Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Thái, Đặng Thanh Vân, Lê Hữu Độ, Nguyễn Thị Hạng, Vũ Minh Thảo, Nguyễn Hữu Dinh, Đào Ngọc Toản và Lê Thị Xuân, Đảng ủy viên. Đây là Đại hội có số lượng cấp ủy tăng, có cơ cấu trẻ, nữ và đảm bảo sự kế thừa và lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy đáp ứng đòi hỏi yêu cầu phát triển mới của địa phương.
([1]) Ban Chấp hành Đảng bộ Nha Trang: Lịch sử Đảng bộ Nha Trang 1925 – 1975, Sđd, trang 87.
([2]) Ban Chấp hành Đảng bộ Nha Trang: Lịch sử Đảng bộ thành phố Nha Trang 1925 – 2985, Sđd, trang 110
([3]) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930 – 1975), Sđd, trang 234.
([4]) Sơ thảo lịch sử phong trào cách mạng phường Vĩnh trường, Sđd, trang 34
([5]) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930 – 1975), Sđd, trang 230
([6]) Sơ thảo Lịch sử phong trào cách mạng phường Vĩnh Trường, Sđd, trang 40
([7]) Ban Chấp hành Đảng bộ Nha Trang: Lịch sử Đảng bộ Nha Trang 1925 – 1975, Sđd, trang 196.