Dân số và quá trình di cư, nhập cư, lập làng
Lúc mới thành lập, theo Nghị định 98/1998/NĐ-CP của Chính phủ, phường Phước Long có diện tích tự nhiên 427 ha, với 14.391 nhân khẩu của phường Phước Hải. Đến tháng 10 năm 2000 (sau tổng điều tra dân số), diện tích tự nhiên 434 ha, dân số 18.087 người với 7 khóm dân cư. Đến tháng 12/ 2014 dân số phường Phước Long có 8.260 hộ với 31.753 nhân khẩu.
Công việc khai hoang lập làng ở 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh đã tạo ra một cơ cấu cộng đồng xã hội phong kiến vừa mang những nét chung của chế độ phong kiến Việt Nam vừa hàm chứa những đặc điểm, tổ chức riêng của địa phương. Đó là sự tạo dựng và dung hợp của nhiều mối quan hệ nhân văn của nhiều vùng miền đem tới.
Về cơ cấu xã hội, Cuộc di dân của người Việt trải qua nhiều đợt và kéo dài mãi về sau ngày một đông đúc hơn. Đối với địa bàn Phước Long, từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nguồn di dân chủ yếu là tăng cơ học gồm cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị lực lượng vũ trang, học viện, nhà trường quân đội, Công an, Biên phòng; cán bộ, công viên chức của các cơ quan dân chính đảng, hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân, gia đình và người thân của họ, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của các cơ quan đơn vị, họ đã lập làng, lập phố tạo dựng cuộc sống đảm bảo “an cư lạc nghiệp” ổn định, lâu dài. Cơ cấu dân tộc tại địa bàn Phước Long khá phong phú, dân tộc Hoa (115 người), dân tộc Raglay (01 người), dân tộc Dao (03 người), dân tộc Tày (33 người), dân tộc Kinh (32.649 người) và các dân tộc khác (20 người).
Trước năm 1975, trên địa bàn Phước Long ngày nay, phía Đông đường Lữ Gia (nay là đường Lê Hồng Phong) là khu doanh trại của quân đội Mỹ - ngụy, Nam Triều Tiên chiếm đóng, tạo nên lá chắn “thép” để bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của chúng tại trung tâm thị xã; là lực lượng cơ động chủ lực nhằm ứng cứu nhanh, tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của “Cộng sản” tại căn cứ mật Đồng Bò. Phía Tây đường Lữ Gia là cánh đồng sình lầy pha cát, nhiễm mặn, rừng Đước xanh hút tầm mắt với nhiều thú dữ cọp, beo… Phía Tây Nam đường Phước Long ngày nay thuộc vùng đất Trường Tây (Vĩnh Trường) có số ít cư dân sống bằng nghề trồng trọt hoa màu, đánh bắt cá, sản xuất chế biến nước mắm.
Sau năm 1975, các doanh trại, đồn bốt của chế độ cũ đã bị xóa bỏ, khu gia binh của lính Đại Hàn, trạm xá… của quân đội Mỹ - ngụy ta tiếp quản, sử dụng thành khu nhà tập thể của các đơn vị, cơ quan, sở, ngành của tỉnh… còn lại là các kho tàng, bến bãi, nhà xưởng sản xuất, tập kết hàng hóa của các công ty xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh như bãi than, phân bón (thuộc chợ Phước Thái hiện nay), bãi tập kết gỗ, kho hàng hóa và chế biến gỗ xuất khẩu của Hợp tác xã Điện Biên (nay là Bệnh viện Tâm Trí và trụ sở UBND phường).
Bên cạnh giải quyết về nhu cầu nhà ở cho cán bộ, sĩ quan, công chức mang tính chất “quy hoạch” ngành, đơn vị; do điều kiện tự nhiên phường Phước Long có diện tích đất nhiễm mặn cao, ao đìa khá lớn, trong khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở đô thị chậm được công bố, công tác quản lý Nhà nước về đất đai bị buông lỏng; việc đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu tạm trú, tạm vắng thiếu chặt chẽ nên những năm trước và sau thành lập phường, một số lượng lớn dân cư khắp các tỉnh đã về địa bàn Phước Long tự do mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp, lấn chiếm đất dự án, đất kho bãi, đất nuôi trồng thủy hải sản… làm nhà ở, tự phát hình thành các khóm dân cư nhà “không số”, phố “không tên”. Với số lượng dân cư tăng cơ học ngày càng đông, cơ cấu nhiều thành phần, trình độ nhận thức không đồng đều nên tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý Nhà nước về nhu cầu nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế, môi trường và an sinh xã hội; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh đô thị, trật tự an toàn xã hội.
Về mặt kinh tế, mặc dầu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, cán bộ công chức của Nhà nước hoặc di dân tự do nhưng khi đến định cư vùng đất Phước Long họ vẫn mang theo truyền thống nền văn minh lúa nước từ lâu đời của tổ tiên, ông bà; tuy điều kiện địa lý tự nhiên không thích hợp với nghề làm ruộng, nhưng họ tiếp tục sáng tạo ra nhiều ngành nghề khác như chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, làm muối; các ngành nghề thủ công truyền thống như dệt lưới, thêu thùa, đúc đồng... Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, họ đã tiến một bước mới mở mang công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, tạo ra hàng hóa cần thiết đảm bảo đủ cái ăn, cái mặc đến nhà ở và phương tiện sinh hoạt phục vụ nhu cầu ngày một cao của cuộc sống. Quá trình đô thị hóa gia tăng, với lợi thế và tiềm năng của địa phương, họ đã đầu tư, tạo dựng nên những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; các dịch vụ cafê, giải khát, karaoke, cầm đồ, các shop buôn bán trên trục đường phố chính với hàng hóa đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.